GIÁO TRÌNH

Về khuôn mặt mới của Giáo dục Đại học Việt Nam

Social Sciences

Ý kiến về dự thảo Đề cương chi tiết Đề án đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020

Tác giả: Phạm Phụ

Chấp hành sự phân công của Tổng thư ký hội đồng Quốc gia Giáo dục và sự ủy quyền của trưởng Tiểu ban chuyên môn về giáo dục đại học và Cao đẳng (ĐH & CĐ), xin phép được nêu lên một số ý kiến thẩm định về “Dự thảo đề cương chi tiết đề án đổi mới Giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020”. Do thời gian quá gấp rút, ý kiến này mới chỉ là tập hợp qua điện thoại và mail của các thành viên của Tiểu ban.

Tiểu ban chuyên môn Giáo dục ĐH & CĐ xin phép được phát biểu 5 ý kiến sau đây:

  1. Giáo dục ĐH của Việt Nam trong khoảng 15 năm qua đã có những biến đổi hết sức lớn lao và những gì đã xảy ra, như tăng nhanh quy mô, thực hiện chính sách thu học phí, từng bước mở rộng ĐH ngoài công lập, sự bất cập về chất lượng đào tạo, những tiêu cực trong GDĐH v.v… có thể nói là rất tương tự với GDĐH ở nhiều nước khác trên thế giới trong những thập niên 70 đến 80 của thế kỷ trước. Và trong hơn một thập niên qua, từ khi tổ chức GATS (Hiệp định chung về thương mại dịch vụ - 1995) của WTO ra đời, với yêu cầu tự do hóa thương mại dịch vụ GD, GDĐH của thế giới, đặc biệt là của các nước đang phát triển, đã phải đương đầu với một tình trạng mà người ta gọi là, vừa “hiểm họa” vừa “triển vọng”. Cải cách GDĐH, do đó, gần như đã trở thành một “phong trào” trên thế giới, từ Nhật, Anh cho đến Liên Bang Nga, Trung Quốc…, từ Hàn Quốc, Hungary cho đến Malaysia, Thái Lan, Giooc Dani v.v…

Trong khi đó, GDĐH Việt Nam trong gần 15 năm qua chưa thực sự có những đổi mới cơ bản mang tính chất cải cách. Hơn nữa, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, đang chuẩn bị tham gia WTO, nghĩa là tất yếu sẽ có một thị trường GDĐH toàn cầu cũng như một thị trường lao động toàn cầu ngay trên đất nước mình. Vì vậy, việc chính phủ giao cho bộ GD & ĐT lập Đề cương để chuẩn bị cho “Đề án đổi mới GDĐH” là một chủ trương hết sức kịp thời và đáp ứng được lòng mong đợi của toàn dân, của cộng đồng thầy cô giáo cũng như của các em học sinh - sinh viên.

  1. Dự thảo của bản đề cương đã được chuẩn bị tương đối công phu gồm 32 trang và một Phụ lục kèm theo 44 trang, trình bày khá rõ ràng những thành tựu, yếu kém và bất cập của hệ thống GDĐH. Đặc biệt, Dự thảo đã nêu lên được nguyên nhân chính của những bất cập đó là “tư duy chậm đổi mới”. Về nội dung, Dự thảo cũng đã “điểm huyệt” được một số vấn đề then chốt và nêu ra một số giải pháp có tính cải cách như: “Tạo ra sự cạnh tranh cần thiết để phát triển GDĐH”; hệ thống GDĐH “được tổ chức đa dạng về mục tiêu, cơ cấu và phương thức đào tạo, loại hình sở hữu, nguồn lực huy động…” và từng bước thể hiện nền GDĐH kiểu “sau trung học” phổ thông; “Các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội”; “Ngăn chặn độc quyền trong việc cung cấp GDĐH”; “Xây dựng và thực hiện cơ chế hoạt động (quản trị) và tài chính ở các trường ĐH theo mô hình công ty”; “Đến năm 2015 tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu, dịch vụlên15-20% trong tổng nguồn thu của các trường ĐH”; “Xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế cho GDĐH Việt Nam” v.v…
  2. Tuy nhiên, Dự thảo của bản đề cương cũng còn một số hạn chế như:
  1. Dự thảo đưa ra một khối lượng công việc quá đồ sộ và toàn diện (đến 30-40 vấn đề) nhưng không thấy được những điểm đột phá cũng như tính khả thi của các giải pháp. Dự thảo cũng đã nêu lên được các điểm yếu như: “bất cập về cung/ cầu của quy mô”, “cứng nhắc trong chương trình ”, “không có sự phân tầng”, “theo mô hình ĐH” của Liên Xô cũ v.v… nhưng khi đưa ra các giải pháp lại chưa thấy ăn nhập vào việc giải quyết các điểm yếu đó; (ví dụ, không có giải pháp phân tầng dọc và ngang, thu hẹp ngành đào tạo và chương trình cử nhân “giáo dục tổng quát” như ở Trung Quốc, Liên bang Nga…).
  2. Một số nội dung có lẽ còn chưa thực tế như: “Xây dựng một số trường ĐH hiện đại để sau 5 đến 10 năm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới”; “Tăng cường năng lực cho nghiên cứu cơ bảnươm tạo công nghệ cho các trường ĐH”. Trong nền GDĐH cho số đông trên thế giới, các trường ĐH định hướng nghiên cứu chỉ có khoảng trên dưới 10%, nhiều trường ĐH (đa số thầy cô giáo) “chỉ dạy thôi” (!) và ưu tiên nghiên cứu cơ bản chỉ nên dành cho các nước lớn, nước giàu. Còn “ươm tạo công nghệ”, bao gồm “vườn ươm doanh nghiệp” phi lợi nhuận, “đầu tư mạo hiểm” rủi ro cao và “tư vấn doanh nghiệp” có lẽ chỉ dành cho một số các trường ĐH có trình độ tương đối cao và có khả năng lập nhiều công ty dạng “spin-off” (sản phẩm phụ – lợi ích phụ).
  3. Một số nội dung có lẽ cần xem lại như “Định kỳ đánh giá để bổ nhiệm lại các chức danh khoa học”; “Dần dần các tập đoàn quốc gia và đa quốc gia là nhà cung cấp tài chính lớn cho đào tạo”. Công bằng xã hội trong GDĐH là một mảng lớn như vẫn chưa có được những giải pháp thích hợp.
  4. Một số nội dung không rõ ràng hoặc còn ở dạng quá tổng quát và không tương thích về độ chi tiết, như: “Mở rộng phương thức cung cấp NSNN cho trường ĐH theo mô hình dịch vụ công”. Thực tình chưa rõ đây là mô hình gì? Hoặc “Xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế cho GDĐH Việt Nam”. Đây là một chiến lược lớn và rất đa dạng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy vậy, vẫn chưa có một số định hướng khung trong đề án, trong khi nhiều vấn đề khác lại quá chi tiết.
  5. Một số nội dung phải chăng là đã “thái quá” trong đổi mới như: “Chuyển một số trường ĐH công lập sang hoạt động theo cơ chế tư thục” (Trong Dự thảo lần thứ 10 chỉ mới nêu là theo cơ chế “ngoài công lập”?). Quy chế ĐH tư thục hiện nay của Việt Nam là dạng công ty cổ phần vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, thiết nghĩ việc chuyển đổi này chẳng những không cần thiết vì ĐH công lập ở Việt Nam đã có thu học phí (cơ bản là vấn đề “chia sẻ chi phí”) mà còn không phù hợp với tâm lý, truyền thống và định hướng xã hội ở Việt Nam. Cũng xin lưu ý, đa số ĐH tư thục ở các nước là không vì lợi nhuận hoặc chỉ có “mức lợi nhuận thích hợp” như ở Trung Quốc và nhiều nước Châu Á khác. Còn việc “công ty hóa” các ĐH công lập ở Nhật, Malaysia… cũng chỉ là việc quản trị các ĐH công lập như một công ty độc lập, hệ thống kế toán như một công ty tư nhân và cho phép thực hiện một số hoạt động kinh doanh, chứ không phải như là một công ty cổ phần vì lợi nhuận, không phải là “công ty hóa” về mặt tài chính, không như là “cổ phần hóa” đối với DNNN và Nhà nước vẫn là chủ sở hữu, trường vẫn là ĐH công lập không vì lợi nhuận.
  6. Về tổ chức xây dựng và thực hiện đề án, Dự thảo đề nghị sẽ “hoàn thiện đề án vào khoảng cuối quý I/2006” là quá gấp. Giai đoạn soạn Dự thảo đề cương vừa qua, thực chất là giai đoạn chuẩn bị cho một dự án, theo thông lệ là việc soạn thảo “Đề nghị dự án” và “Đề cương tham chiếu” (TOR), trong đó trọng tâm là việc nêu lên sự cần thiết, các mục tiêu yêu cầu, các sản phẩm cần có của dự án, cách tổ chức xây dựng và những yêu cầu về chất lượng đối với tổ xây dựng dự án cũng như chuyên gia xây dựng dự án, kinh phí dự án vv…, chúng ta đã tốn hơn 6 tháng. Từ nay đến cuối quý I chỉ còn khoảng 9 tháng là quá ngắn cho việc xây dựng một đề án để đổi mới GDĐH. Tuy rằng, giai đoạn vừa qua chúng ta đã sơ bộ xây dựng được “Đề cương chi tiết”, có hữu ích cho giai đoạn sau nhưng cái khó khăn lớn nhất trong xây dựng đề án là việc lựa chọn chiến lược cho một giai đoạn dài hạn 15 năm, phải dự báo, phải lựa chọn ưu tiên vì không một nước nào có thể giải quyết thỏa đáng tất cả các yêu cầu của GD và do đó phải chấp nhận rất khó khăn một số “đánh đổi” nào đó. Vả lại cũng cần có thời gian để tìm kiếm sự đóng góp và sự đồng thuận của thầy cô giáo, của các em SV, phụ huynh SV và xã hội nói chung. Kinh nghiệm làm luật GD (1999) trong 2 năm của Thái Lan có thể cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, gần giữa năm 2006 mới có Đại hội Đảng lần thứ X, sau Đại hội chắc sẽ có nhiều định hướng mới cho việc đổi mới chính sách quốc gia nói chung và GD nói riêng. Vì vậy, phải chăng nên đặt mốc thời gian hoàn thiện đề án vào cuối quý III năm 2006. Tất nhiên, đến cuối quý I/2006 chắc cũng đã có một số kết quả để góp phần phục vụ cho việc ra các quyết định ở Đại hội X. Cuối cùng, phải chăng nên có một Nghị quyết của Quốc hội khoá XI ở kỳ họp thứ 10, vì đổi mới cơ bản GD phải là sự nghiệp của toàn dân.

Về tổ xây dựng đề án, đề nghị thành lập một Tổ công tác độc lập gồm một số chuyên gia biệt phái của bộ GD & ĐT và một số bộ có liên quan, bổ sung một số chuyên gia về luật pháp, về chính sách công, về tài chính GDĐH, về các vấn đề xã hội, làm việc ít nhất là bán thời gian và có tính chuyên nghiệp, có thể mời khoảng 4-6 “tháng – người” chuyên gia GDĐH nước ngoài, để xây dựng đề án, dưới sự chỉ đạo của một Ủy ban đặc trách gồm một số đồng chí lãnh đạo của HĐQGGD, bộ GD & ĐT và một vài đồng chí lãnh đạo khác. Một hội đồng, hoặc một ủy ban đặc trách mới “tạo được một sự đổi mới”.

  • Đề nghị bộ GD & ĐT sớm lập tờ trình trình Chính phủ và Chính phủ sớm phê duyệt và ra nghị quyết về việc “Xây dựng đề án đổi mới GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020” dựa trên một số định hướng đã được sơ bộ nêu ra trong “Đề cương chi tiết” của đề án. Đề nghị, trong nghị quyết của Chính phủ cũng có nêu rõ vai trò của HĐQGGD, bộ GD & ĐT cũng như việc thành lập “Tổ công tác độc lập” đặc trách cho việc xây dựng dự án.
 
MỤC LỤC