Giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam sau giai đoạn trì trệ trong thập kỷ 80, bước sang những năm 90 của thế kỷ trước đã có được một số phát triển khá ấn tượng. Về quy mô, số lượng sinh viên (SV) đã tăng lên với tốc độ bình quân 18% năm trong giai đoạn từ 1991-2000 và hiện nay đã có con số khoảng 1,1 triệu. Về cơ cấu hệ thống, bên cạnh hệ thống gồm 214 trường ĐH và cao đẳng (CĐ) công lập (2004), hiện nay đã có trên 30 trường ĐH và CĐ ngoài công lập, trên 10 ĐH và CĐ của nước ngoài và hàng trăm chương trình liên kết đào tạo. Về nguồn lực tài chính, bên cạnh hệ thống ĐH ngoài công lập, Nhà nước cũng đã có chính sách thu học phí ngay ở các trường ĐH công lập. Ngoài ra, hiện nay cũng đã có khoảng 40.000 SV đang du học tự túc (kinh phí gia đình) ở nước ngoài, ước tính chi phí gần 300 triệu Đôla hàng năm.
Tuy nhiên, những phát triển vừa qua đã diễn ra trong bối cảnh của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, nền GDĐH đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Chất lượng GDĐH nhìn chung còn thấp, nguồn nhân lực được đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy lạc hậu, khoảng cách công bằng xã hội trong GDĐH tăng lên, quản lý “vừa ôm đồm vừa lỏng lẻo”, nhiều tiêu cực cũng đã nảy sinh v.v… Tất cả những biểu hiện ấy đã làm cho các cấp lãnh đạo, cộng đồng GD cũng như toàn xã hội băn khoăn, lo lắng, thậm chí đôi khi phẫn nộ và lên án gay gắt.
Trong bối cảnh đó, khoảng 5-7 năm qua, rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi bàn tròn, “chuyên mục báo chí” v.v… về chuyên đề GDĐH đã được tổ chức, không chỉ của bộ GD và Đào tạo (GD&ĐT) mà còn của Hội đồng quốc gia GD, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Báo Nhân dân, Hội khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập, các Viện nghiên cứu v.v… Và đối tượng tham gia, không chỉ là các cấp lãnh đạo của Nhà nước , bộ GD&ĐT, các trường ĐH, thầy cô giáo ĐH… mà còn các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà báo, Việt kiều và cả các nhà GD của nước ngoài.
Các bài báo, kiến nghị, tham luận, phản biện và trả lời phỏng vấn của báo chí v.v… được tập hợp lại trong quyển: “Về khuôn mặt mới của GDĐH Việt Nam” này chính là các bài viết của tác giả cho các hội nghị, hội thảo… nói trên. Đây cũng là những bài viết đã được đăng tải trên các tạp chí, các báo: Tia Sáng, Giáo Dục, Giáo Dục và Thời Đại, Hoạt động Khoa học, Sinh viên Việt nam, Nhân dân, Quốc tế, Pháp luật, Thanh niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Người Lao động…, trên VN Net, VN Express và ở các kỷ yếu của Hội đồng Quốc gia GD, bộ GD&ĐT v.v... Nội dung các bài viết bao gồm tương đối nhiều vấn đề trong GDĐH, từ cơ cấu hệ thống, tổ chức quản lý, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, quy mô và chất lượng, tuyển sinh ĐH… cho đến kinh tế - tài chính ĐH, cơ chế thị trường, công bằng xã hội trong GDĐH v.v... Hy vọng rằng, qua các bài viết này, người đọc có thể có thêm được: a) Một số thông tin về GDĐH Việt Nam; b) Thông tin về một số xu thế phát triển GDĐH trên thế giới và c) Theo dõi được một phần nào đó những tranh luận xung quanh các vấn đề về GDĐH trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, người đọc có thể có thêm dữ liệu để tham gia ý kiến trong những dịp tranh luận và đóng góp cho GDĐH.
Hiện nay, Nhà nước đang chuẩn bị “Đề án đổi mới GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020”. Chắc rằng, trong một vài năm đến sẽ có rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để những “nhóm có lợi ích liên quan” (lãnh đạo ở địa phương, các trường ĐH, thầy cô giáo, phụ huynh, SV, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư…) tham gia vào quá trình lựa chọn chính sách và thực hiện chiến lược dài hạn này. Và do vậy, hy vọng rằng tập sách nhỏ này cũng có thể có ích chẳng những cho những người trực tiếp liên quan đến GDĐH mà còn cho rộng rãi công chúng có quan tâm đến GDĐH.
Các bài viết luôn gắn với những vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau của GDĐH Việt Nam trong khoảng 10 năm qua. Vì vậy, để thuận lợi cho độc giả trong việc theo dõi các diễn biến, các bài viết được bố trí theo tuần tự thời gian. Tuy vậy, ở phần mục lục cũng có hệ thống các bài viết theo từng nhóm chủ đề để thuận tiện cho các độc giả muốn tham khảo theo vấn đề.
Các bài viết thể hiện nhận thức và cách nhìn riêng của tác giả. Tác giả vốn lại là một kỹ sư, một nhà giáo có ít nhiều tự nghiên cứu về GDĐH chứ không là một người chuyên nghiên cứu theo các dự án về GD. Do vậy, có thể có một số sai sót nào đó trong thông tin, trong dữ liệu thống kê cũng như trong cách nhìn còn có phần hạn chế của mình. Kính mong quý độc giả chỉ bảo và góp ý cho. (Địa chỉ liên lạc: Chương trình MSM, trường Đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam; E-mail: msmsim@hcm.vnn.vn ).
Tp. HCM 20/11/2005
- Về khuôn mặt mới của Giáo dục Đại học Việt Nam
- Lời nói đầu
- Lời giới thiệu
- Các chữ viết tắt
- Giáo dục đại học
- 9 Đề nghị về giáo dục đại học, 1996
- Các vấn đề tồn tại trong việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNH - HĐH, 1997
- Giáo dục đại học “đại trà” và sự “phân tầng”, 1998
- Tấm áo mới cho mô hình ĐH quốc gia, 1998
- Về quy mô và chất lượng các trường ĐH của Mỹ, 1998
- Về thiết kế và tổ chức mạng lưới các trường đại học, 1999
- Vài ý kiến tản mạn về giảng dạy ở đại học, 1999
- Khuôn mặt mới của giáo dục đại học, 2000
- Một vài ý kiến về “Các giải pháp tổ chức lại ĐH quốc gia”, 2000
- Trắc nghiệm khách quan và đổi mới tuyển sinh ĐH, 2001
- Về chất lượng nền giáo dục đại học, 2001
- Dịch vụ GDĐH là một loại hàng hoá đặc biệt, 2001
- Về quy mô và chất lượng GDĐH Việt Nam, 2002
- 5 Đề nghị về tuyển sinh đại học, 2002
- Nghĩ về sự đồng thuận trong giáo dục, 2002
- Về chất lượng ở ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2003
- 7 Đề nghị về “chương trình khung” giáo dục đại học, 2003
- 7 Đề nghị về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật giáo dục, 2004
- Về cơ chế Hội đồng trường ở trường đại học, 2004
- 5 Đề nghị về nâng cao chất lượng và đánh giá chất lượng giáo dục đại học, 2004
- Ý tưởng dự án: Xây dựng chương trình hành động cải cách GD, 2004
- Tổ chức quản lý ở đại học, 2004
- Nhận dạng một số khoảng cách và sự khác biệt giữa thế giới và Việt Nam về giáo dục đại học trước xu thế toàn cầu hóa, 2004
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, 2004
- Một phương án tài chính ở trường đại học tư thục có “mức lợi nhuận thích hợp”, 2004
- Chất lượng giáo dục đại học – cơ sở nào để đánh giá? 2004
- Giáo dục tổng quát trong các chương trình Giáo dục đại học, 2004
- Luận về “hàng hóa dịch vụ GDĐH” và công bằng xã hội, 2004
- Học phí đại học: một chính sách công phức tạp, 2004
- 5 Đề nghị về các giải pháp giáo dục đại học, 2004
- Đổi mới quản lý giáo dục đại học, 2004
- Giáo dục đại học mới là cấp bách, 2004
- Triết lý giáo dục còn chưa được làm rõ, 2005
- Luật giáo dục sửa đổi và WTO, 2005
- Ba vấn đề cấp bách của Giáo dục Đại học, 2005
- Ý kiến về dự thảo Đề cương chi tiết Đề án đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, 2005
- 3 Đề nghị về Luật giáo dục (sửa đổi) và đổi mới giáo dục, 2005
- Dịch vụ Giáo dục Đại học và cơ chế thị trường, 2005
- Khoa học, công nghệ và hoạt động nghiên cứu trong đại học, 2005
- 7 chính sách tài chính cho giáo dục đại học, 2005
- Liên quan và Hỗ trợ
- Quản lý và thủ tục “ra-quyết-định đa tiêu chí”, 1991
- Về việc đào tạo “thạc sĩ quản trị kinh doanh”, 1992
- Một vài ý kiến về tổ chức Tổng công ty, 1998
- Các quan chức ở Nhật được tuyển chọn như thế nào?, 2000
- Giá trị thặng dư và vấn đề bóc lột ở Việt Nam, 2001
- Kiến thức đơn thuần không cứu vãn được chúng ta, 2003
- "Ai là người làm chủ thực sự các doanh nghiệp Nhà nước?", 2003
- Dự luật doanh nghiệp Nhà nước dưới góc nhìn của "tài chính doanh nghiệp", 2003
- Nhà giáo nhân dân Phạm Phụ: Người thích đứng ở biên giới, 2004
- 5 Đề nghị về việc lựa chọn các dự án quan trọng quốc gia, 2005
- 5 Câu hỏi cho chuyện “tăng học phí”, 2005
- Tăng học phí: Nhìn từ đại học mà chưa nhìn từ xã hội, 2005