Giáo trình

Về khuôn mặt mới của Giáo dục Đại học Việt Nam

Social Sciences

Giáo dục tổng quát trong các chương trình Giáo dục đại học

Tác giả: Phạm Phụ

Xã hội vẫn cho rằng, chất lượng của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Nguyên nhân của thực trạng này có thể có rất nhiều, như: nguồn lực bị hạn chế, quản lý yếu kém, cách dạy - cách học lạc hậu v.v… Nhưng liệu có phải còn có một nguyên nhân khác, đó là sự thiếu vắng mảng “GD tổng quát” (GDTQ) trong các chương trình GDĐH?

GDTQ LÀ “GD VỀ NHẬN THỨC, ĐẠO ĐỨC VÀ XÚC CẢM”

Ở Châu Âu thời Trung cổ, triết lý của GDĐH được thể hiện qua “bộ ba”: Ngữ pháp, Thuật hùng biện/ Tu từ học (rheroric) và Logic. Sau đó đã bổ sung thêm “bộ bốn”: Số học, Hình học, Thiên văn và Âm nhạc để tạo cơ sở cho một chương trình cử nhân (CTCN) 4 năm, thường gọi là “Liberal Arts”. Từ đó đã hình thành một quan niệm: GDĐH là nền GD có chức năng chủ yếu là cung cấp cho người học một nền GD tổng quát (General/ Liberal Education) “nặng về tri thức thuần túy học vấn và văn hóa”. Mặt khác, từ nửa sau thế kỷ 19, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, với nhu cầu chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, một quan niệm khác cũng đã được thiết lập: GDĐH là một nền GD có chức năng chủ yếuđào tạo nghề nghiệp(ĐTNN) với “ tiêu điểm hướng vào việc chuẩn bị chuyên môn cho nguồn nhân lực”. Và “hai đường lối GD hoàn toàn khác nhau, có vẻ như mâu thuẫn với nhau”

Ban GD KH&ĐT Khối thịnh vượng chung (Úc), 2002. Phấn đấu cho chất lượng dạy, học và nghiên cứu
này vẫn tiếp tục tranh luận căng thẳng cho đến những thập niên gần đây.

Tuy nhiên từ những năm 50, 60 trở về sau, khi mà nền GDĐH ở các nước phát triển sớm đã từng bước chuyển sang nền GD cho số đông, hai đường lối GD trên như đã có một bước xích lại gần nhau với xu thế chung là: “Chúng không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau”, “phải có sự tích hợp có hiệu quả giữa hai đường lối đó qua nhận thức chung về việc phát triển tri thức độc lập, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phê phán”v.v… Trên thực tế, tùy thuộc vào truyền thống, giai đoạn, đặc điểm của từng nước, từng trường ĐH, từng CTCN, trọng số mảng GDTQ trong mỗi CTCN khá khác nhau và thường biến thiên khoảng từ 25% đến 50%.

Đương nhiên còn một câu hỏi lớn tiếp theo là, vậy thì mục đích, và từ đó là nội dung của GDTQ là gì? Lại cũng có rất nhiều quan niệm và nhiều định nghĩa đã được đưa ra. Có quan niệm: GDTQ được xem là để rèn luyện trí tuệ, phát triển phẩm chất đạo đức của sinh viên (SV) và cung cấp cho SV một nền GD cơ bản. Và quan niệm khác: GDTQ là để chuẩn bị cho cuộc sống của một công dân có trách nhiệm v.v… Gần đây nhất, trong bối cảnh của toàn cầu hóa kinh tế, của đa văn hóa, của giao tiếp toàn cầu…, Andrey Chrusky (2003) đã nói về GDTQ với một ý nghĩa mới hơn: “Mục đích của GDTQ là để xây dựng những con người có khả năng và khuynh hướng luôn cố gắng để đạt được sự thỏa thuận với nhau về những nội dung liên quan đến sự việc, nguyên lý và những hoạt động, thông qua quá trình thảo luận một cách có lý lẽ ”. Và theo một nghĩa rộng, GDTQ là GD về nhận thức, đạo đức và xúc cảm (Emotional education). Từ đó, nội dung của GDTQ thường bao gồm: a) Kỹ năng nhận thức và năng lực/ kỹ năng xã hội như: Thu thập dữ liệu, quan sát và phân tích, giải quyết vấn đề, thích nghi với môi trường mới, quan hệ xã hội v.v… b) Những nội dung liên quan đến luân lý, phẩm hạnh, đạo đức… và c) Những hiểu biết chung về triết học, kinh tế học, luật học, về Nhà nước , thiết chế, về lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật v.v… Đương nhiên, những nội dung này sẽ được lựa chọn để thích hợp cho từng loại CTCN và không chỉ được thể hiện qua một số chủ đề, một số môn học mà còn qua cách dạy – cách học ngay ở những môn có tính chất ĐTNN và cách tổ chức chương trình . Ví dụ, từng nhóm SV nhỏ có thể thực hiện một dự án nghiên cứu thực tế nào đó được tính tín chỉ ở dạng “cộng đồng học tập” (Learning Communities), học bên ngoài phòng học giữa thầy, trò và những người khác (fellow travellers), “làm để học” (learning by doing) v.v... Qua đó SV sẽ đồng thời có được rất nhiều loại kỹ năng nói trên.

ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP VÀ GD ĐẠI CƯƠNG

Trong khi đó, ở một số nước đang phát triển, kể cả Liên Xô trước đây, đặc biệt là ở một số nước mới giành được độc lập sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và mới bắt đầu phát triển nền GDĐH của nước mình, GDĐH thường chỉ hướng theo đường lối GD thứ hai nói trên, chứcnăng chủ yếu của GDĐH là ĐTNN. Lý do chính đáng của xu thế này là phải phát triển nhanh nguồn nhân lực để kịp thời phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Về phía Nhà nước , xây dựng cơ sở hạ tầng cần phải có ngay những người kỹ sư, thiết lập hệ thống tài chính mạnh cần phải có ngay những cán bộ ngân hàng và kế toán, xây dựng hệ thống y tế cần phải có ngay những bác sĩ được đào tạo về y khoa hiện đại v.v… Về phía người dân, chi phí trực tiếp và gián tiếp cho GDĐH là một khoản chi phí lớn của gia đình và do đó phải sớm có nghề để sẵn sàng xin việc làm (Job-ready graduate) và nhanh chóng “hoàn vốn đầu tư” (David Bloom, 2003). Từ đó, CTCN cũng phải hướng đến chuyên môn hóa sớm ngay từ những năm học đầu và làm cho nội dung GDTQ trở thành rất mờ nhạt.

GDĐH Việt Nam có một bối cảnh phát triển rất tương tự với bối cảnh của các nước nói trên, lại còn có nhiều ảnh hưởng của nền GDĐH Liên Xô trước đây. Vì vậy nền GDĐH Việt Nam chủ yếu hướng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, có tính chất ĐTNN, cũng là một điều dễ hiểu. Về mặt quan niệm, có thể thấy rõ xu thế đó trong việc đặt tên các trường ĐH: trường ĐH Tài chính, Kinh tế, Giao thông, Bưu chính Viễn thông v.v…, trong xây dựng danh mục ngành nghề đào tạo

Thường sử dụng từ “đào tạo” thay cho giáo dục
và cả trong cách phát biểu về mục tiêu đào tạo2. Về mặt nội dung, vừa qua khi đổi mới CTCN, các môn cơ bản và một ít môn cơ sở được gọi là GD đại cương (GDĐC) có trọng số tương đối lớn, có thể chiếm đến 40% CTCN, phần các môn cơ sở và chuyên môn – chuyên ngành được gọi là GD chuyên nghiệp với một khối kiến thức tương đối rộng trong một cấu trúc ngành cũng rộng hơn. Có thể xem đây là một bước đổi mới quan trọng, tạo điều kiện cho người tốt nghiệp dễ tìm được việc làm hơn trong một thị trường lao động đang từng bước có tính chất toàn cầu. Tuy nhiên, có lẽ cần phải xem xét tiếp, GDĐC trong các CTCN hiện nay có phải là GDTQ? Nếu nhìn qua cấu trúc của mảng GDĐC có thể cho rằng, về cơ bản nó tương tự như mảng GDTQ. Tuy nhiên, xem xét chi tiết hơn có thể nhận ra được, GDĐC trong các CTCN hiện nay: a) Có một khối lượng khá lớn và một nội dung khá hàn lâm của các môn cơ bản (như toán đại cương, lý đại cương, v.v… trong khối ngành công nghệ) nhằm chuẩn bị cho việc học các môn cơ sở và chuyên ngành ở những năm sau, chưa phải là phần chủ yếu của GDTQ; b) Thiếu nhiều nội dung liên quan đến kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội và c) Đặc biệt là nội dung và cách tổ chức giảng dạy chưa hướng đến việc “xây dựng những con người có khả năng và khuynh hướng luôn cố gắng để đạt được sự thỏa thuận với nhau…” như đã nêu ở trên. Nói một cách khác, còn thiếu phần “học để sống với nhau”.

VAI TRÒ CỦA GDTQ TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Ở một số nước, trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn có loại trường ĐH chuyên đưa ra những CTCN có tính chất là cử nhân về GDTQ. Ở Mỹ có loại trường ĐH mang tên là “Liberal Arts” và số cử nhân về GDTQ năm 1995 chiếm đến 40% số bằng cấp về cử nhân

Có hai loại trường “Liberal Arts” 1 và 2, có loại CTCN về GDTQ có chất lượng rất cao và học phí rất đắt
. Ở Bangladesh, “Ủy ban vì sự tiến bộ của nông thôn” cũng đã thành lập một trường ĐH về GDTQ “nhằm đáp ứng những khát vọng của xã hội trong việc giảm nghèo và vượt qua những khó khăn trong các lĩnh vực y tế, GD và việc làm. Rất nhiều trường ĐH mới thành lập của Trung Quốc cũng đã theo mô hình trường là trường GDTQ. Các cử nhân về GDTQ, tuy mới chỉ được trang bị về “những nguyên lýchung và kiến thức cơ bản xem như là cơ sở để làm việc và học hành một cách chủđộng”
Định nghĩa về văn bằng ĐH theo Đạo luật về GD năm 1989 của New Zealand
nhưng lại có thể tham gia vào một thị trường lao động hết sức đa dạng mà nhiều khi không có một tên gọi ngành nghề rõ ràng và cũng cần phải sẵn sàng đổi nghề
Theo khảo sát năm 2001, có đến trên 57% cử nhân sau khi ra trường lại đi học lại hoặc học thêm các ngành nghề khác (?).
. Một số cử nhân về GDTQ sau đó lại có thể theo học các “trường chuyên nghiệp” (Professional Schools), một loại phân khoa đặc biệt, kiểu khoa “Đào tạo sau ĐH” ở Việt Nam, như trường Y, trường Nha, trường Luật, trường Kinh doanh… để trở thành bác sĩ, nha sĩ, luật sư, doanh nhân vv…

Nhờ cách tổ chức như vậy, nhiều nước đã có được một lực lượng lao động có trình độ cao nhưng hết sức đa dạng, hết sức linh hoạt. Và cũng nhờ vậy, mới có được những con người có GDTQ tốt, mà theo một khảo sát về “GDĐH và xã hội” gần đây (2003) đã mô tả, là người: “(1) Có khả năng nghĩ, viết và truyền đạt một cách rõ ràng, thuyết phục, hiệu quả và có tính phê phán; (2) Am hiểu cách thu nhận kiến thức và cách nhận thức về vũ trụ, xã hội và chính bản thân mình; (3) Có kiến thức rộng về các nền văn hóa khác và thời đại khác; (4) Có khả năng ra-quyết-định có tính đến những yếu tố lịch sử với một tầm nhìn rộng; (5) Biết suy nghĩ một cách có hệ thống về các vấn đề luân lý, phẩm hạnh, đạo đức v.v… và (6) Có kiến thức tương đối sâu về một lĩnh vực nào đó”.

Có những con người như vậy, đất nước mới dễ có được những “Nhà hoạch định (quy hoạch)” bên cạnh những kỹ sư, có được những “Tổng công trình sư” (Generalists) bên cạnh những chuyên gia, trong tương lai mới có được những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và biết cân bằng những yếu tố xã hội, cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân v.v… Từ nhận thức đó, trường ĐH quốc gia Singapore vừa qua cũng đã đưa ra một chương trình GDTQ mới cho SV của họ với kỳ vọng là: “SV của họ có thể so sánh được với SV của các trường ĐH ở các nước đã phát triển”.

Nói riêng về các CTCN để trực tiếp ĐTNN, ngay ở Úc, nơi có nền GDĐH có “khuynh hướng chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực về mặt chuyên môn” hiện nay (2002) vẫn đang đặt ra câu hỏi: “Phải chăng có một điểm giới hạn mà nếu vượt qua nó do quá nhấn mạnh đến việc ĐTNN chuyên môn thì nền GDĐH sẽ đánh mất bản chất đặc trưng và có lẽ cả ý nghĩa của nó?” 1. Câu hỏi này đã muốn trả lời rằng, ngay trong các CTCN về ĐTNN cũng cần phải có mảng GDTQ theo ý nghĩa của đường lối GD thứ nhất. Tuy nhiên, trong ĐTNN ở bậc cử nhân ngày nay, yêu cầu cũng phải đào tạo người SV để họ có được cả 3 loại kỹ năng, cả kỹ năng nhận thức” (Cognitive skills) và kỹ năng xã hội (Social skills) chứ không chỉ là kỹ năng chuyên môn(Professional skills). Các CTCN về ĐTNN của Việt Nam hiện nay dường như chỉ tập trung vào mảng “kỹ năng chuyên môn”.

Chính vì vậy, với nguồn nhân lực của Việt Nam đang có, chúng ta đang rất băn khoăn về: a) Khả năng viết, trình bày, giao tiếp; b) Khả năng làm việc nhóm; c) Khả năng giải quyết vấn đề; d) Thiếu cái nhìn tổng thể và biết cân bằng giữa lợi ích của cộng đồng và lợi ích cá nhân, e) Khả năng tranh luận và tư duy phê phán, sáng tạo; f) Thiếu “Khuynh hướng muốn biết” để “học tập suốt đời”

James V. Shall: “Kiến thức đơn thuần không cứu được chúng ta dù chúng ta cũng cần nó. Điều trọng yếu là khuynh hướng muốn biết”
v.v… Có lẽ điều này cũng góp phần giải thích tại sao CTCN của Việt Nam đã được thiết kế như chủ yếu chỉ dựa vào một cột trụ “học để làm” (trong số 4 cột trụ do UNESCO nêu ra), SV lại học khá nặng, khá khó mà lại có vẻ như một nghịch lý là “làm cũng kém”, nhiều cử nhân giỏi mà có khi lại bị thất bại ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên khi đi phỏng vấn tìm việc v.v…

Tóm lại, phải chăng trong các chương trình GDĐH ở Việt Nam hiện nay còn thiếu mảng GDTQ và do vậy, cần phải sớm tiến hành nghiên cứu để bổ sung và hiệu chỉnh? Phải chăng chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực trước xu thế toàn cầu hóa cũng như việc có được những người công dân có trách nhiệm trong tương lai?

Mục lục
Đánh giá:
0 dựa trên 0 đánh giá
Nội dung cùng tác giả
 
Nội dung tương tự