Đặc điểm và phân loại
Ở nước ta, lươn chỉ có 1 số loài. Giữa hai miền Nam, Bắc có các loài khác nhau.
Ở phía Bắc, chúng ta có 1 loài (Monopterus albus). Loài này nhỏ và trọng lượng chỉ từ 0,2 – 0,4 kg/con.
Ở phía Nam, chúng ta có phổ biến loài lươn đồng (Fluta alba). Khác với lươn phía Bắc, loài này có con nặng tới 1500 g. Ở đồng bằng sông Cửu Long, bà con thường đánh được những con lươn rất lớn vào mùa nước nổi. Cũng cần lưu ý, ở miền Nam còn có con lịch đồng (Macrotrema caliguns). Bọn này có ngoại hình cũng gần giống với con lươn.
Một số cơ quan thông tin đôi khi lại lẫn lộn giữa con lươn với con cá chình. Nguyên nhân việc nhầm lẫn này là vì trong tiếng Anh, cả con lươn và con cá chình đều được gọi là “eel”. Khi biên dịch, nếu không để ý thì ta rất dễ lẫn con lươn với con cá chình.
Đặc điểm về sinh trưởng.
Ở con lươn, có một quá trình rất kì lạ, đó là việc biến lươn đực thành lươn cái. Chúng ta biết rằng, lúc đẻ ra, toàn bộ lươn là lươn cái. Những con lươn có độ dài dưới 26cm đều là lươn cái. Tới năm thứ hai, khi con lươn có độ dài từ 44 – 48 cm thì chúng ta thấy số con đực và con cái tương đương nhau. Thế còn , khi xem xét những con lươn có độ dài cơ thể từ 54cm trở lên, chúng ta thấy, chúng toàn là lươn đực.
Ở đây có một quá trình biến dần dần từ con cái thành con đực. Lúc đầu, lươn chỉ có buồng trứng. Những lươn dài 26cm, chúng tô thấy chúng đã có nhiều trứng thành thục và đẻ. Nhưng khi xem xét những lươn có độ dài cơ thể từ 36 – 46 cm, chúng tôi thấy nhiều con ở trạng thái lưỡng tính : trong tuyến sinh dục của chúng có cả tinh sào (ở con đực) và buồng trứng ( ở con cái). Rõ rang, trong gia đoạn này, cơ quan sinh dục đực đã “mọc” thêm ra. Nó xuất hiện và hoàn thiện dần dần. Trong lúc đó, buồng trứng sau khi đã hoàn thiện nghiệm vụ sinh sản sẽ tiêu biến đi. Tinh sào càng ngày càng lớn. Tới khi cơ thể lươn dài từ 54cm trở lên thì chúng ta thấy chúng hoàn toàn thành 1 con lươn đực thực thụ ( buồng trứng tiêu giảm hết và chỉ còn lại tinh sào).
Khi lươn con mới nở ra từ trứng, chúng đeo dưới bụng 1 bọc noãn hoàng lớn. Ta ví nó như 1 bọc bánh mì mà mẹ đã giành cho con. Lươn con sẽ sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng này. Chúng ít hoạt động và nằm bám vào các rễ cây thủy sinh như rễ bèo tây. Thỉnh thoảng nó mới quậy nhẹ nhàng đôi chút. Tới ngày thứ 8, trên cơ thể nó có nhiều biến đổi : vây ngực tiêu biến dần (và chỉ còn dấu vết như 1 chấm nhỏ còn sót lại); bọc noãn hoàng bé dần đi và thu thành 1 dải nhỏ nằm dưới bụng lươn; các mạch máu bao quanh noãn hoàng và vây ngực cũng thu nhỏ lại và ít dần.
Khoảng 2 – 3 ngày sau, chúng ta thấy noãn hoàng tiêu biến hết. Trên than lươn xuất hiện nhiều nhiễm sắc tố đên và mạch máu không thấy rõ nữa. Lúc này, con lươn khỏe hơn, than dài ra và mang dáng dấp 1 chú lươn thực thụ.
Toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 10 ngày. Sau đó, lươn bắt đầu đi kiếm ăn và lớn khá nhanh. Trong năm đàu nó có thể đạt tới 35cm. Lươn tăng trọng mạnh nhát vào năm thứ 3 trở đi.
Các cơ sở nuôi cho biết, nếu được cung cấp đủ thức ăn thường xuyên thì tốc độ lớn của lươn còn thăng mạnh hơn nhiều.
Như đã nêu ở trên, lươn ở phía Bắc chỉ nặng tối đa khoảng từ 0,2 – 0,2 kg và dài tới 62 cm. Trong lúc đó, lươn ở phía Nam có con dài tới 69cm và nặng tới 1,5kg. Ở đây vừa có tính di truyền của giống, vừa có tác động của môi trường. khí hậu nóng ấm ở phía Nam giúp cho lươn hoạt động quanh năm. Trong lúc đó, lươn ở phía Bắc có 1 thời kì dài phải ngủ đông.
Đặc điểm về sinh sản
Chỉ 1 năm là lươn đã thành thục. Lươn ở phía Bắc đẻ sớm hơn lươn ở phía Nam. Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi hoa gạo ở miền Bắc nở là bắt đầu mùa để của lươn. Nó để lai rai tới tận tháng 8, tháng 9. Cá biệt có con tới tháng 11 vẫn đẻ. Còn lươn ở phía Nam thì bắt đầu đẻ vào tháng 4, tháng 5.
Chúng ta quan sát thấy, lươn sống ở đồng ruộng thường đẻ sớm hơn những lươn sống ở đầm, hồ, ao. Khu vực nào có nhiều thức ăn thì lươn đẻ sớm hơn.
Trứng lươn rất nhiều. Con càng lớn càng mang nhiều trứng. Số lượng trứng có thể di động từ vài trăm trứng tới cả nghìn trứng. ngay trong 1 buồng trứng cũng có các kích cỡ trứng khác nhau. Lươn đẻ làm nhiều lần. mỗi lần khoảng 50 trứng. Cũng có con đẻ với số lượng lớn hơn. Lươn đẻ trứng ở cửa hang. Vì vậy, sắp tới mùa đẻ nó tích cực đào hang và củng cố hang.
Lươn thường tìm những bờ ruộng, bờ ao hoặc ven các mương máng có đất sét pha đất thịt để làm tổ. Đôi khi, nó còn chọn cả các mô đất cao ở giữa ruộng. Chúng tôi đã thấy ở nhiều ngôi mộ mà bà con để ở giữa ruộng thường có tổ lươn ở xung quanh.
Việc đào hang do lươn đực đảm nhận. Nó thăm dò khá kỹ khu vực sinh sống của mình để chọn chỗ làm hang. Trước mùa sinh đẻ, ta thường thấy lươn đực lượn đi, lượn lại quanh bờ nhiều lần ( trong lúc, lươn cái vẫn đi kiếm ăn ở khắp nơi). Thậm chí, nói còn bò cả lên bờ để tìm hiểu về vùng đất đó. Sau khi quan sát kĩ, lươn đực sẽ dùng đuôi và ngoáy vào bờ đất để đào hang. Công việc diễn ra trong nhiều ngày. Nó đào sâu vào trong lòng đất và đi chếch xuống phía dưới. Cửa hang thường cách mép nước 3 – 5 cm. Được một đoạn khoảng 15 – 20 cm, nó làm hang phình to ra. Đó là lối thoát hiểm. Ngoài ra, cũng có hang chúng tôi phát hiện thấy có đường thông lên trên mặt đất. Phải chăng, đó là đường thông khí.
(Chúng tôi đã làm thí nghiệm nuôi lươn trong 1 bể rộng 8m2 và dành ra 2m2 để đắp ụ đất lên cao hơn mặt nước 60 cm. Tới khi thu hoạch, chúng tôi bửa đất ra. Trong ụ đất có tới 21 ổ lươn to như tổ chuột. Lươn chui cả vào các ổ đó. Cấu trúc của ổ lươn đúng như chúng tôi đã mô tả ở trên).
Lươn đực làm xong hang sẽ mời lươn cái vào cùng ở. Tới mùa sinh sản, lươn đực phun đầy bọt ( thực tế là tinh trùng) còn lươn cái thì đẻ trứng lên đó. Lúc đầu, đám bọt có màu trắng, kích cỡ lớn hơn bọt của cá rô cờ (Macropodus chinensis). Tới khi trứng sắp nở, đám bọt đó ngả sang màu vàng.
Những người đi bắt lươn thường coi đám bọt là biệu hiện rõ rệt của hang lươn.
Tới mùa sinh sản, lươn rất dữ. Nó thường nằm trong hang hoặc lượn lờ quanh hang để giữ trứng. Nếu có vật lạ thò vào ổ đẻ thì lươn lao ra cắn ngay. Chúng quyết bảo vệ nòi giống. Thậm chí, nếu có tiếng động mạnh, nó có thể nuốt cả đám trứng vào bụng của nó.
Với tiết trời nắng ấm, có gió đông nam và nhiệt độ khoảng 24 – 26oC, đặt biệt là sau những trận mưa rào, lươn thường đẻ rộ. Nó đẻ vào sáng sớm. Lúc này, lươn đực làm nhiệm vụ canh gác cho tổ đẻ. Ta thường thấy nó lượn lờ quanh ao hoặc nằm im trong các lỗ khuất để canh chừng kẻ thù.
Sauk hi đẻ từ 7 – 10 ngày thì trứng nở. Lươn con sinh ra chỉ dài tối đa 2cm và nhỏ như sợi chỉ. Lúc này nó chưa biết bơi. Chúng buông mình xuống đáy ao và nằm ở đó như chết. Ít ngày sau, nó mới bắt đầu bơi đi để kiếm ăn.
Thành phần thức ăn và hoạt động bắt mồi của lươn
Lươn là loài ăn tạp nhưng nghiêng về thức ăn động vật. Để biết được thành phần thức ăn mà lươn đã tìm kiếm, chúng tôi đã mổ ngay lươn ra và quan sát xem, chúng đưa vào ruột những thứ gì. Chúng ăn đủ thứ. Trong ruột của chúng có giun nước, giáp xác (tôm, tép, cua…), các loài côn trùng ( cánh cứng, niềng niễng, muỗi, kiến, ấu trùng của chuồn chuồn…), nòng nọc, ếch nhái nhỏ, cá con, ốc v.v..Ngoài ra, chúng ta còn thấy trong ruột lươn cả những chất lạ như : mùn bã, đất sét, lá lúa non, rễ bèo…Tuy nhiên thức ăn chủ yếu của chúng là động vật. Việc đuổi bắt các loài động vật sống của chúng kém vì mắt nó không tinh. Tuy nhiên, khứu giác của lươn lại rất nhạy. Vì vậy, chúng rất dễ phát hiện các nguồn thức ăn động vật đã thối rữa. Trong thực tế, khi ta đưa các vật đã thối rữa xuống nước thì chỉ sau một thời gian ngắn, lươn đã mò tới. Chúng tôi đã thử nghiệm đưa các loại thức ăn khác nhau vào các ống trúm khác nhau. Rõ rang, loại nào nặng mùi nhất thì lươn đến ngay. Đặc biệt là cua, cóc sau khi đập chết, phơi nắng cho dậy mùi sẽ là loại mồi mà lươn rất mê.
Về nguồn thức ăn thực vật thì chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào. Các mẫu thực vật được phát hiện trong bụng lươn có thể do chúng đã ăn lẫn phải khi đớp mồi động vật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu để dưa ra qui trình nuôi lươn, chúng tôi đã cho chúng thử ăn các thức ăn tổng hợp. Trong các mẫu thức ăn này, nhiều công thức được trộn thêm cám gạo, bột ngô, bột sắn, mì với tỉ lệ dưới 30%. Chúng tôi quan sát thấy, lươn cũng ăn rất mạnh. Vì vậy, cho lươn là loài ăn tạp cũng không có gì phải băn khoăn. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, thức ăn của lươn chủ yếu là thức ăn động vật.
Vào mùa lươn để, lươn hầu như không ăn. Lúc này nó chăm chú cho việc đẻ và việc bảo vệ trứng của nó. Chúng ít đi lại mà cứ nằm lỳ một chỗ bên cạnh nơi lươn cái đẻ. Đến khi trứng đã nở và đàn lươn con đã có thể tự đi kiếm ăn thì lúc đó nó mới bỏ đi tìm mồi.
Lươn bắt mồi mạnh nhất vào thời kỳ từ tháng 5 -7. lúc này, nguồn thức ăn trong tự nhiên cũng dồi dào và khí hậu cũng thích hợp.
Tập tính của lươn là hoạt động vào ban đêm. Chỉ khi đêm xuống chúng mới mò đi kiếm ăn. Tập tính này có thể bị phá vỡ khi chúng ta tiến hành nuôi tập trung. Các tính hiệu như : tiếng động, ánh sáng đều có thể gây được phản xạ để lươn kéo ra ăn khi chúng ta đã luyện cho chúng.
Bình thường, vào ban ngày, lươn thường nằm trong hang và quay đầu ra phía ngoài. Ở tư thế này, các chú tôm tép nhỏ khi đi qua cũng dễ bị chúng thủ tiêu.
Cũng có trường hợp, trong bụng lươn lớn có cả lươn con. Cũng có thể do khan hiếm thức ăn nên chúng đã ăn cả đồng loại. điều này nhắc nhở chúng ta, khi thả lươn không nên thả lẫn lộn cả lớn, cả bé.
Những người bắt lươn chuyên nghiệp cho chúng tôi biết, lươn béo nhất vào lúc nó đang đẻ (khoảng tháng 2 -3) và vào mua thu ( khoảng tháng 8 – 9). Tuổi càng cao, lươn càng béo. Thời kỳ sau khi đẻ, lươn đi kiếm ăn rất hăng. Chúng mau chóng hồi phục lại cơ thể.
Dựa vào các đặc điểm và tập tính, người ta đã lên kế hoạch đi săn lùng lươn.
Người bắt lươn thường xác định những nơi lươn thường ở. Đó là những nơi có đất bùn hoặc đất thịt pha sét. Màu sắc của lươn thường giống với màu đất ở đấy. Nếu có động, chúng lùi nhanh vào trông môi trường. Mùa hè, lươn hoạt động là chủ yếu. Nó thường đi kiếm ăn sau các trận mưa rào. Cũng có lúc, ta bắt gặp chúng kéo nhau đi thành đàn.
Ở phía Bắc, khi gió mùa đông bắc tràn về, lươn chui vào hang hoặc chui sâu xuống dưới bùn. Nhiều trường hợp, sau khi tát cạn ao, bà con phơi ao hàng tháng. Đất trên mặt ao đã khô nứt nẻ. Thế nhưng, khi chúng ta xắn đất vẫn phát hiện ra những chú lươn nằm sâu dưới đó. Nó vẫn sống bình thường. Khi bắt lên và thả vào nước là nó bơi ngay tức khắc. Chúng có các cơ quan hô hấp phụ nên vẫn có thể sống hàng tháng dưới lớp đất đó.
Thời kì bắt lươn bằng tay chủ yếu vào mùa lươn đẻ ( mùa mưa). Còn mùa khô ( tháng 11 – 4) người ta thường bắt lươn ở các đầm, ao, hoặc ruộng cạn nước.
Thời kỳ bắt lươn bằng ống trúm thường vào tháng 5 -10 tại các hồ, ao, đầm, kênh, mương, máng, sông ngòi…
Ống trúm thường được làm bằng một đoạn ống nứa lớn, một đầu vướng mắt, đầu kia có hom( hay vỉ) ngăn ở đầu. Trong ống ta để các loại mồi tanh để nhử lươn.
Trúm thường được đi đặt vào chiều tối. Sớm hôm sau, người ta sẽ đi thu. Có những ống thu được tới 4 – 5 con lươn. Cũng cần lưu ý, đôi khi trong ống trúm lại có cả rắn. Nếu là rắn nước thì không sao. Nhưng là rắn độc thì phải hết sức cẩn thận.