GIÁO TRÌNH

Cơ sở lý luận về ổn định và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp

Business

Quan niệm về ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Một sản phẩm ra đời, xuất hiện trên thị trường, và đã có khách hàng tiêu dùng sản phẩm đó thì trên lý thuyết, sản phẩm đó chiếm lĩnh một phần thị trường tiêu thụ nhất định. Phần chiếm lĩnh đó được gọi là thị trường hiện tại của Doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng với sản phẩm đó, ngoài phần Doanh nghiệp chiếm lĩnh được thì còn có một phần thị trường của đối thủ cạnh tranh, đó là tập hợp các khách hàng đang tiêu thụ sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Thị trường không tiêu dùng tương đối là tập hợp các khách hàng có nhu cầu mua hàng nhưng hoặc là không biết nơi nào có bán mặt hàng đó hoặc là chưa có khả năng thanh toán.

Ba phần thị trường trên tạo thành thị trường tiềm năng cho Doanh nghiệp xác định rõ thị trường tiềm năng sẽ tạo căn cứ để Doanh nghiệp đưa ra các quyết định nhằm mở rộng thị trường. Như vậy, duy trì, ổn định thị trường là quá trình Doanh nghiệp cố gắng giữ vững phần thị trường hiện có của mình, không để cho đối thủ cạnh tranh có cơ hội xâm nhập, và cũng không để cho những người tiêu dùnghiện có của mình chuyển sang phần thị trường tiêu thụ của đối thủ cạnh tranh. Còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của Doanh nghiệp là quá trình mở rộng hay tăng khối lượng khách hàng và lượng hàng hoá bán ra của Doanh nghiệp bằng cách xâm nhập vào thị trường tiêu thụ của đối thủ cạnh tranh, lôi kéo những người tiêu dùng hiện tại của đối thủ cạnh tranh sang thị trường tiêu thụ của mình, và kích thích những người không tiêu dùng tương đối tiêu thụ sản phẩm của mình. Để thực hiện được chiến lược này, đòi hỏi Doanh nghiệp phải có những phương án, cách thức hữu hiệu. Việc mở rộng thị trường có thể được thực hiện theo 2 cách, đó là mở rộng thị trường theo chiều rộng và mở rộng thị trường theo chiều sâu.

+ Mở rộng thị trường theo chiều rộng là việc Doanh nghiệp thực hiện xâm nhập vào thị trường mới, thị trường mà người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm của Doanh nghiệp. Hay còn gọi là thị trường của các đối thủ cạnh tranh.

+ Mở rộng thị trường theo chiều sâu là việc Doanh nghiệp khai thác tốt hơn thị trường hiện có của Doanh nghiệp, tiến hành phân đoạn, cắt lớp thị trường, cải tiến hệ thống phân phối, thực hiện các chính sách về sản phẩm, giá, dịch vụ sau bán hàng. Nói cách nôm na dễ hiểu thì để mở rộng thị trường theo chiều sâu tức là trước khi người tiêu dùng chỉ mua một sản phẩm nhưng nay người tiêu dùng có thể sẵn lòng mua đến 2 hay nhiều hơn 2 sản phẩm của Doanh nghiệp.

Như vậy, ổn định và mở rộng thị trường là một trong những yêu cầu hàng đầu của quản lý Doanh nghiệp, một trong những mục tiêu quan trọng mà bất kỳ Doanh nghiệp nào trong cơ chế thị trường cũng cần phải cố gắng phấn đấu thực hiện. Vì vậy, nếu Doanh nghiệp chú ý đến vấn đề ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thì một sớm, một chiều Doanh nghiệp sẽ bị xoá sổ trên thị trường.

Các tiêu thức phản ánh mức độ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thị phần.

Thị phần của Doanh nghiệp là tỷ lệ thị trường mà Doanh nghiệp chiếm lĩnh. Tiêu thức này phản ánh sức mạnh của các Doanh nghiệp trên thị trường. Nếu thị phần lớn, tức tỷ lệ chiếm lĩnh trên thị trường lớn thì Doanh nghiệp được xem là mạnh, có khả năng chi phối thị trường tiêu thụ. Thị phần lớn tạo nên thế cho Doanh nghiệp trong việc chi phối thị trường và hạ chi phí sản xuất do lợi thế về quy mô. có 2 khái niệm chính về thị phần.

+ Thị phần tuyệt đối: Là tỷ trọng phần doanh thu của Doanh nghiệp so với toàn bộ sản phẩm cùng loại được tiêu thụ trên thị trường.

+ Thị phần tương đối: là được xác định trên cơ sở phần thị trường tuyệt đối của Doanh nghiệp so với phần thị trường của đối thủ cạnh tranh mạnh nhất.

Sản lượng sản phẩm tiêu thụ.

Số lượng sản phẩm được bán ra trên thị trường là một chỉ tiêu cụ thể phản ánh rõ nét hiệu quả của công tác mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cần so sánh tỷ lệ tăng sản lượng trong năm thực hiện so với năm kế hoạch, xem xét mức độ kế hoạch là bao nhiêu, xem xét loại sản phẩm nào là bán chạy nhất, so sánh sản lượng tiêu thụ của mình với đối thủ cạnh tranh để xem xét mức độ xâm nhập vào thị trường tiêu thụ của đối thủ cạnh tranh như thế nào.

Tổng doanh thu.

Đây là một chỉ tiêu tổng quát. Nó là kết quả tổng hợp của công tác mở rộng thị trường cho các loại sản phẩm Doanh nghiệp sản xuất trên các loại thị trường khác nhau. Cũng như chỉ tiêu sản lượng sản phẩm tiêu thụ, Doanh nghiệp cũng cần so sánh mức độ tăng trưởng doanh thu kỳ trước mức tăng doanh thu của ngành và của đối thủ cạnh tranh. Do chỉ tiêu doanh thu có liên quan đến yếu tố tiền tệ nên chỉ tiêu này còn chịu sự tác động của sự thay đổi tỷ giá hối đoái, lạm phát. Có nhiều trường hợp do lạm phát nên mặc dù doanh thu qua các kỳ đều tăng trưởng nhưng trên thực tế sản lượng tiêu thụ lại không tăng, vì do vậy, chưa thể nói là Doanh nghiệp đã thực hiện thành công chiến lược mở rộng thị trường.

Chỉ tiêu lợi nhuận.

Lợi nhuận là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. Lợi nhuận tuy không phải là chỉ tiêu phản ánh trực tiếp kết quả của công tác mở rộng thị trường nhưng nó lại là một chỉ tiêu có liên quan mật thiết với công tác này. Vì vậy, thông qua mức tăng trưởng của lợi nhuận cả về tương đối và tuyệt đối ta có thể nắm được phần nào kết quả của công tác tiêu thụ và mở rộng thị trường tiêu thụ của Doanh nghiệp.

Lợi nhuận = - - –Thuế-

Tỷ suất lợi nhuận = KLN = x 100

Các vấn đề uy tín, thương hiệu

Vấn đề ổn định và mở rộng thị trường còn gắn liền với công tác xây dựng và phát triển thương hiệu. Trước đây, thương hiệu là cái mà các Doanh nghiệp ít quan tâm, lúc đó họ chỉ đơn thuần là chỉ cần cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành rẻ là có thể thu hút được người mua. Nhưng ngày nay nhiều khi người tiêu dùng sản phẩm là vì thương hiệu của Doanh nghiệp đó. Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, để từ đó quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sẽ đẩy mạnh hiệu quả của công tác mở rộng thị trường. Sở dĩ như vậy là vì Doanh nghiệp có một thương hiệu mạnh thì ắt nhiều người sẽ biết đến Doanh nghiệp, biết đến các sản phẩm của Doanh nghiệp, dễ dàng nảy sinh hành vi mua hàng cho Doanh nghiệp. Khả năng xâm nhập vào thị trường của các đối thủ cạnh tranh sẽ mạnh hơn. Chính vì vậy, mà các Doanh nghiệp hiện nay đã chú trọng rất nhiều đến công tác xây dựng hình ảnh của mình trên thị trường, và trong tương lai, chắc hẳn cạnh tranh về thương hiệu là cạnh tranh mạnh nhất, gay gắt nhất.