GIÁO TRÌNH

Về khuôn mặt mới của Giáo dục Đại học Việt Nam

Social Sciences

Tấm áo mới cho mô hình ĐH quốc gia

Tác giả: Phạm Phụ

LTS. Từ năm 1996, khi còn là đại biểu Quốc hội khóa IX, Giáo sư Phạm Phụ đã có chín đề nghị về giáo dục đại học (ĐH). Theo ông là nên sắp xếp lại các trường ĐH có quy mô vừa phải, xem lại việc lập ĐH đại cương (ĐHĐC)… Bây giờ, ông vừa là Giáo sư trường ĐH Kỹ thuật, vừa đảm nhận vai trò trưởng ban quản lý dự án khu công nghệ cao TP.HCM.

Sau Hội nghị đào tạo ĐH toàn quốc tại Hà Nội tháng 4 – 1998, một trong những vấn đề đang tranh cãi là sự hình thành và phát triển của các đại học quốc gia (ĐHQG). Mặc dù các ĐH này ra đời từ chủ trương và quyết định của Chính phủ, nhưng thực tế hoạt động vài năm đã bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm. Giáo sư Phạm Phụ nói ông thực sự lo lắng cho nền giáo dục ĐH của đất nước với ý thức trách nhiệm và tâm huyết của một người thầy lâu năm… Ông đã dành thời gian trao đổi với phóng viên TTCN.

NÊN CÓ BA, BỐN ĐH MANG TÍNH CHẤT QUỐC GIA TẠI TP.HCM:

Quả đúng là sau hội nghị đào tạo ĐH toàn quốc tại Hà Nội, những người có trách nhiệm và tâm huyết với nền GD nước nhà đã thực sự băn khoăn, lo lắng như Giáo sư. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu tranh cãi nhiều ở hội nghị là mô hình ĐHQG và quy trình đào tạo hai giai đoạn thì dường như vẫn chưa ngã ngũ…?

  • Mục tiêu hình thành ĐHQG ai cũng đã rõ. Chúng ta hoàn toàn có thể có những ĐH tiêu biểu trong vùng, trong khu vực. Nhưng trong quá trình thực hiện đã làm nảy sinh những chệch choạc giữa biện pháp thực hiện với chủ trương, do đó đã không đạt được mục tiêu mong muốn. Tôi nhớ khi bắt đầu triển khai mô hình này, cựu Bộ trưởng bộ GD và Đào tạo (GD & ĐT) Trần Hồng Quân có lần đã thừa nhận với tôi: Bộ cũng chưa được tham khảo kỹ.

Nét cơ bản của GDĐH chúng ta là từ quy trình đào tạo theo kiểu “tinh hoa” chuyển sang “đại trà”. Cổng trường ĐH không còn xa vời như trước nữa đối với giới trẻ, song những trường ĐH đa lĩnh vực không vì thế mà quy mô phải lớn. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, các trường ĐH có chất lượng cao thường là có quy mô vừa phải. Ở Mỹ, các trường có chất lượng hàng đầu thế giới như ĐH kỹ thuật California chỉ có 1.973 sinh viên (SV), Học viện kỹ thuật Massachusette (MIT): 9.960 SV, ĐH Standford: 14.048 SV… ĐH Chiangmai (Thái Lan) chỉ khoảng 11.000 SV… Đây đều là những ĐH đa lĩnh vực, với tính chất quan trọng thể hiện ở những ngành học liên ngành.

Trong khi đó, ĐHQG TP.HCM có quy mô tới 130.000 SV. Tỉ lệ SV/ Giảng viên trung bình đã là 48, ở một số bộ phận tỉ lệ này lên đến 80, 100. Chúng tôi không khỏi e ngại cho chất lượng đào tạo ở ĐHQG. Hơn nữa, khi nhiều giảng viên đã dạy quá tải với ba, bốn lần khối lượng chuẩn, khi một phòng thí nghiệm đã dùng cho hàng ngàn SV… thì không thể nói là sát nhập để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực. Đấy là chưa nói tới khả năng quản lý trước một quy mô “khổng lồ” như trên. Như vậy khó lòng có thể đạt được mục tiêu xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao đạt trình độ quốc tế. Giáo sư Hoàng Tụy đã rất có lý khi ông nói về mô hình ĐHQG: “Một kinh nghiệm buồn về ý tưởng hay nhưng thực hiện không hay”.

Tại hội nghị đào tạo ĐH, có ý kiến cho rằng nên sắp xếp lại mô hình ĐHQG TP.HCM bằng cách cho tách riêng trở lại một số trường . Thậm chí có người nói nên thành lập những ĐH mới hoàn toàn. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

  • Nếu lập ra một ĐHQG mới hoàn toàn rồi quy tụ người giỏi về, dần dần xây dựng một trung tâm đào tạo chất lượng cao thì trước mắt tính khả thi còn thấp, nhất là trong điều kiện nước ta hiện nay. Theo tôi, ở thành phố có thể hình thành ba, bốn ĐH có tính chất quốc gia để tạo sự cạnh tranh trong đào tạo. Các trường thành viên như ĐH Kinh tế, ĐH Kỹ thuật… vốn đã có tính chất của trường ĐH đa ngành. Trường ĐH Tổng hợp (cũ) đã có ít nhiều tính chất đa lĩnh vực. Do đó, từ các trường này, hoàn toàn có thể phát triển thêm một số lĩnh vực để tại TP.HCM có một số trường có tính chất của ĐHQG truyền thống đa lĩnh vực, với quy mô mỗi trường khoảng 20.000 – 30.000 SV.

Còn cách tổ chức lắp ghép máy móc các trường ĐH truyền thống đã có để thành một ĐH quá lớn như hiện nay đã gặp phải những bất lợi như: SV tập trung quá đông, vượt quá khả năng quản lý, thêm cấp trung gian, hiệu quả kinh tế thấp và không phù hợp với tâm lý tổ chức truyền thống. Hơn nữa, kiểu lắp ghép trên còn dễ tạo ra “quán tính trì trệ”, độc quyền hơn là tạo ra những “nhân tố mới”…

Như vậy, cái gọi là ĐHQG hiện nay sẽ tồn tại ra sao?

  • Tất nhiên không có phương án nào là hoàn hảo hết. Nhưng trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng ĐHQG TP.HCM hiện có chỉ nên ở dạng liên hiệp, hoặc hiệp hội các trường ĐH như nhiều nước đã thực hiện. Liên hiệp này chịu trách nhiệm tổ chức những quan hệ như hợp tác nghiên cứu, chuyển trường, đặc biệt là phương án liên thông giữa các trường ĐH. Các ĐH có tính chất quốc gia chỉ duy trì những chương trình đào tạo của chính mình. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khi trao đổi với tôi qua ĐT đã hỏi: “ĐHQG hiện nay nên chữa bằng cách nào?”, và tôi cũng đã trả lời như trên. Ở Mỹ cũng có một “Liên hiệp ĐH Trung-Tây” gồm mười trường ĐH ở vùng Trung – Tây theo dạng này.

LÀM GÌ KHI BỎ ĐH ĐẠI CƯƠNG?

  • Bộ GD-ĐT đã quyết định theo tinh thần của hội nghị đào tạo ĐH là không hình thành riêng một trường ĐH đại cương (ĐHĐC). Nhưng, ở ĐHQG TP.HCM, người ta đã họp bàn nhiều lần vẫn chưa có một quyết định chính thức về số phận hơn 16.500 SV khoá 1998 sẽ được tuyển mới vào tới đây. Theo Giáo sư thì nên chọn giải pháp nào?
  • Lập riêng một ĐHĐC bằng cách ghép các bộ phận giảng dạy đại cương ở một số trường thành viên, tách rời SV ở giai đoạn một với ngành nghề mà họ đã chọn, và không cân đối số lượng tuyển sinh “đầu vào” với khả năng đào tạo giai đoạn chuyên ngành, từ đó tạo nên một khung cửa hẹp đối với SV khi phải vượt qua một “kỳ thi ĐH thứ hai” khắc nghiệt để vào học chuyên ngành là không thể chấp nhận. Vả lại chứng chỉ ĐHĐC trong thực tế đã trở thành những “bán thành phẩm” chưa thể tạo liên thông khi đổi ngành hoặc đổi trường …

Theo tôi, không có gì phải băn khoăn về giải pháp thay thế khi không còn ĐHĐC. Đa phần các ĐH hiện nay đều đã có bộ phận giảng dạy khối kiến thức cơ bản ở giai đoạn này. Vì vậy, SV chọn vào ngành nào của trường nào thì cứ về đấy mà học thôi. Nếu có tăng cường thêm mảng kiến thức nào đó thì “Liên hiệp các trường ĐH” với sự chỉ đạo của bộ GD-ĐT có kế hoạch phối hợp giảng viên để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy.

  • Thưa Giáo sư, các trường cũng đang lúng túng trước quyết định bỏ kỳ thi chuyển giai đoạn từ khóa học 1997?
  • Tôi cho rằng vẫn cần thiết tổ chức một kỳ thi tuyển vào giai đoạn chuyên ngành đối với những SV có nguyện vọng đổi ngành, hoặc muốn chuyển trường … Còn đối với những SV đã chọn ngành từ khi thi tuyển vào rồi thì không phải thi chuyển giai đoạn nữa. Căn cứ vào điểm học tập trung bình chung của SV để xét tuyển vào giai đoạn chuyên ngành. Nếu thiếu điểm, SV phải học lại. Các trường áp dụng học chế tín chỉ cũng tương tự như vậy 

HỒNG QUỲNH thực hiện

 
MỤC LỤC