TÀI LIỆU

Đặc điểm sinh học

Science and Technology

Ếch nhái nằm trong lớp lưỡng cư, đây là một lớp rất lớn gồm 3 bộ, 34 họ, 398 giống và 4.015 loài. Ở Việt Nam có 9 họ, 34 giống và 147 loài.

Lớp lưỡng cư bao gồm những động vật có xương sống đầu tiên chuyển đơi sống từ dưới nước lên cạn.Chính vì vậy, chúng còn giữ được nhiều đặc điểm của tổ tiên. Chúng đẻ trứng ở dưới nước. Cả quá trình phát triển của nòng nọc đều diễn ra trong nước. Tới lúc trưởng thành chúng mới bò lên cạn. tuy nhiên, chúng vẫn thường xuyên lặn ngụp dưới nước để kiếm mồi. Ngay khi ở trên cạn, chúng cũng không thể chịu được khô hạn. Chúng thích nơi ẩm ướt và gần các nguồn nước. Vì vậy, người ta gọi chúng là động vật lưỡng cư.

Ếch nhái được xếp vào nhóm động vật có ích.

Với đội ngũ đông đảo và có mặt ở khắp mọi nơi, chúng tham gia vào việc truy bắt và tiêu diệt mọi loại côn trùng phá hoại mùa màng. Cả những vật chủ trung gian mang mầm bệnh cho người và gia súc cũng bị chúng nuốt chửng. Trong nhóm ếch nhái thì ếch đồng (Rana tigrina rugulosa.W) là đại diện đáng quan tâm nhất. Ngoài ếch đồng, trong giới ếch còn có nhiều loài ếch khác như : ếch vạch, ếch gai, ếch bò, ếch da cóc, ếch giun, ếch xanh tuyền, ếch xanh, ếch biến nhưng không nhiều bằn ếch đồng. Ếch đồng còn được gọi là ếch ruộng, thường sống ở bờ ruộng, bờ ao, quanh các đầm, phá, trong các thung lũng, dọc các mương máng, đôi khi cả ở ven sông, ven suối. Chúng có cơ thể cỡ trung bình, thân dài 7 – 10cm. Ếch không chịu được rét nên vào thời gian tháng 10 – 11, chúng bắt đầu chui vào các hang để trú đông. Các hang này được gọi là “ mà”. “Mà” là những hang hốc, ngóc ngách ven bờ ruộng, bờ ao, đôi khi là cả những hầm hố kín đáo, khuất gió. Chúng nằm bẹp trong đó suốt mùa đông. Không ai nhìn thấy chúng. Mãi tới cuối xuân, khi thời tiết ấm dần lên, ếch mới lò dò ra khỏi hang để đi kiếm ăn. Lúc này, ta cũng không phát hiện ra và tưởng rằng chúng vẫn ngủ đông vì ếch đồng ưa đi tìm mồi vào ban đêm, còn ban ngày, chúng chui rúc trong hang hoặc thả mình trôi nổi giữa ao, dưới các đám bèo, đám rau, bốn chân giang rộng, miệng nhô lên khỏi mặt nước. Chúng chờ tới sẩm tối mới nhảy lên bờ, đi kiếm mồi. Thời kỳ này cũng là giai đoạn chờ sinh sản của ngóc ngách lao ra, kêu váng trời để gọi nhau cặp đôi. Ếch đực có hai túi kêu ở phần họng, chúng có thể phồng lên rất to để giúp cho tiếng kêu của ếch vang xa, trầm bổng, thôi thúc và kêu gọi ếch cái. Tuy nhiên, ếch cái chỉ tìm tới ếch đực khi trời đã tối hẳn. Chúng ghép đôi với nhau và tiếng kêu thưa dần và như lịm đi trong đêm vắng. Cuộc giao hoan kéo dài và say đắm tới 1 – 2 giờ khuya. Những người bắt ếch đã dựa vào đặc điểm này để xuất phát và bắt gọn hàng chục cặp ếch trong một đêm. Ếch đồng hoạt động mạnh nhất vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 và giảm dần đến tháng 10, 11. Sau đó là giai đoạn ngủ đông của chúng. Ếch thuộc nhóm ếch nhái không đuôi, có cơ thể ngắn, chân sau dài hơn chân trước và màng bơi phát triển giữa các ngón. Chúng bơi lội rất giỏi, còn khi di chuyển trên cạn thì chủ yếu bằng những bước nhảy. Chúng có thể nhảy liên tục hàng chục nhịp và có những cú nhảy rất xa so với chiều dài của cơ thể chúng. Người nuôi phải chú ý tới đặc điểm này để xây tường, ngăn những bước nhảy “vượt rào” của ếch. Ếch không uống nước bằng miệng. Da ếch làm nhiệm vụ lấy nước và điều tiết nước. Da của ếch mềm mại và luôn ẩm ướt, không có vẩy và gồm nhiều lớp mà mắt thường khó phân biệt được. Lớp ngoài là biểu bì, lớp trong là bì và lớp trong cùng là hạ bì. Lớp này dính với lớp cơ nằm ở bên dưới làm thành những vách ngăn giữa các túi bạch huyết, chứa đầy bạch huyết. Vì vậy, da của chúng không dính chặt vào cơ thể mà chỉ dính ở một số chỗ nhất định nên ta dễ dàng lột da ếch. Trên da có nhiều tuyến nhầy, tuyến này tiết ra một chất nhầy. Chất nhầy này làm cho da ếch luôn luôn ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi để không khí dễ hòa tan vòa, cung cấp dưỡng khí cho ếch. Ếch tích nước dưới da thành những kho căng phồng. Các tuyến nhầy sẽ huy động nước trong kho để tiết ra dịch khi đa khô, làm cho da ếch luôn ẩm. Cũng vì vậy mà ếch phải thường xuyên sống ở nơi ẩm ướt và gần nguồn nước. Chúng rất sợ những nơi khô hạn. Khi cơ thể mất hoảng 30% lượng nước thì ếch đã có thể chết.

Ngoài ếch đồng, còn nhiều loài ếch khác được dùng để nuôi. Nổi bật nhất là giống ếch bò. Ếch bò là giống ếch phân bố tự nhiên ở vùng Bắc Mỹ. Đây là giống ếch lớn, có thể dài đến 20cm và nặng khoảng 1 kg. Ếch bò lớn nhanh, thịt ngon, tỷ lệ đạm cao hơn cả thịt lợn. Gần đây, nhiều nước đưa ếch bò vào nuôi. Ở Thái Lan đã lai giống ếch bò Nam Mỹ (con đực) với ếch đồng của Thái Lan (con cái ) để tạo ra con lai. Giống ếch lai này rất tốt, lớn nhanh và thích ứng rộng với điều kiện của địa phương. Hiện nay, Việt Nam đã nhập nhiều giống ếch lai này từ Thái Lan. Một số cơ sơ còn nhập cả giống ếch bò để chủ động tạo con lai ngay tại Việt Nam.

Bà con cần lưu ý, con lai chỉ dụng được một đời. Nếu lấy các con lai để phối giống với nhau, thì chúng sẽ tạo ra thế hệ con cái bị phân ly và giống sẽ bị thoái hóa.

Chúng ta nhớ rằng, ếch nhái là loài động vật đầu tiên chuyển từ đời sống dưới nước lên cạn. Vì vậy, tuy ếch đã có phổi nhưng phổi còn rất đơn giản, nó cung cấp không đủ ô xy cho yêu cầu hoạt động của cơ thể. Chúng thở hết sức khó khăn do chưa có xương sườn để hình thành lồng ngực, nên chúng phải nuốt từng “ngụm” không khí bằng động tác nâng lên và hạ xuống của thềm miệng một cách vất vả. Thế nhưng các nhà khoa học cho biết rừng chỉ có 49% ôxy và 14% khí cácbônic qua phổi, còn lại chúng theo một con đường khác, đó là qua da. Da ếch mới là cơ quan hô hấp chủ yếu. Trên da ếch có rất nhiều mao mạch, ôxy trong không khí sẽ tan trong chất nhầy trên da ếch để thấm qua da và lọt vào các mao mạch giống như ở mang của cá, khí cácbôníc sẽ đi theo con đường ngược lại. Đó là quá trình hô hấp chủ yếu của ếch, nó vận chuyển 51% khí ôxy và 86% khí cácbônic. Người ta đã thí nghiệm : cắt bỏ phổi, ếch vẫn sống, nhưng nếu sơn da hoặc làm khô da ếch, ếch sẽ chết.

Đôi lúc ta thấy ếch nhảy nhót rất hăng nên tưởng rằng chúng là loài năng động. Thực ra, ếch lại là loài rất ít di chuyển. Chúng không ưa đi kiếm ăn xa mà chỉ quanh quẩn nơi đã sinh ra. Thức ăn của chúng thường là châu chấu, cào cào, cánh cứng, chuồn chuồn, mối, kiến, những côn trùng cỡ nhỏ như cua, giun đất va cả những chú ngóe con. Nếu quan sát ta thấy, ếch bắt mồi không phải chi trước hoặc chi sau mà bằng…lưỡi! Chúng ngồi lì một chỗ và theo dõi những con mồi di động. Khi con mồi tiến tới hoặc bay sát đến, ếch ngóc đầu lên và phóng lưỡi ra. Lưỡi của chúng dài như một cánh tay và có một đầu dính vào thềm miệng, đầu lưỡi kia vươn tới, dính vào con mồi và nhanh chóng cuốn ngay vào miệng. Ếch dồn sức nuốt chửng con mồi. Chúng nhắm nghiền 2 mắt, đẩy cầu mắt sát vào trong và dung chính cầu mắt đó để đẩy thức ăn vào thực quản. Sau khi nuốt xong, chúng lại tiếp tục rình con mồi mới.

Cơ quan bài tiết của ếch chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, mỗi ngày 1 con ếch có thể lọc được 150cm3 nước tiểu, tương đương 1/3 trọng lượng cơ thể. Chúng đưa nước ra ngoài nhiều như vậy vì chúng không thực hiện được quá trình hấp thụ lại nước trong nước tiểu.

Các nhà khoa học cho biết chỉ sau hai giờ rưỡi là toàn bộ huyết tương của máu ếch lại được thay thế hết. Vì vậy, nếu ếch phải sống ở nơi khô cạn quá lâu thì chúng sẽ chết vì mất nước. Do đó, ếch không dám đi xa mà chỉ luôn quanh quẩn bên các vực nước.

Ếch cũng có các giác quan riêng. Mắt ếch to và có mí mắt, ếch chỉ nhìn rõ những vật di chuyển, còn những vật ở trạng thái tĩnh thì ếch phát hiện kém. Tuy nhiên, chúng phản ứng nhạy bén hơn với vật mà chúng nhìn thấy vì sự phân tích cảm giác thị giác được thực hiện ở ngay màng cảm giác ở đáy cầu mắt ếch (trong khi ở người và các loài động vật bậc cao khác sự phân tích đó được thực hiện ở tận não bộ).

Ếch có thể nhận biết được một số màu sắc. Vì vậy, cơ thể ếch cũng có khả năng thay đổi màu sắc cho phù hợp với cảnh quan của môi trường để tăng khả năng ngụy trang và trốn tránh kẻ thù. Cơ quan thính giác của ếch có khả năng tiếp thu các tiếng động trên cạn. Chúng có tai trong, tai giữa và màng nhĩ ở bên ngoài. Ếch có khả năng nghe được tần số từ 30 – 15000Hz, tương đương với khả năng nghe của con người.

Khứu giác của ếch tuy không nhạy nhưng cũng có khả năng phát hiện các mùi quen thuộc, chúng ta có thể quan sát rất rõ hiện tượng ếch đánh hơi, tìm mồi.

Ếch được xếp vào loại “to mồm”. Quả đúng như vậy, tiếng “ẹc, ẹc, ộp, ộp” của ếch rền vang, ngân xa, vừa trầm hung, bi tráng, vừa tha thiết, khát vọng. người ta nghĩ rằng đó là tiếng kêu của cả ếch đực và ếch cái. Nhưng không phải, đó chỉ là tiếng kêu của ếch đực. Ếch cái kêu kém, tiếng vừa nhỏ vừa rời rạc, không đủ để vang xa. Ếch thường kêu vào mùa sinh sản để báo hiệu cho ếch cái tìm tới. Tiếng của chúng vang to được là nhờ ở cổ chúng có hai túi kêu, đây là hai túi mỏng thông với khoang miệng. Chúng tạo thành hai nếp da mỏng màu vàng nhạt nằm ngay dưới hai bên hàm. Túi kêu chỉ có ở ếch đực. Đây là đặc điểm thuận lợi để phân biệt ếch đực và ếch cái.

Theo GS.TS. Trần Kiên thì ở ếch có tới 6 loại tiếng kêu khác nhau : 1 loại dùng khi vào mùa sinh sản, 2 loại dùng để phân biệt và báo hiệu vùng do từng cá thể cai quản, 2 loại nữa dùng để kêu khi được sống tự do trong thanh bình và loại cuối cùng để báo động. Với “ngôn ngữ” ít ỏi như vậy nhưng chúng cũng đã làm váng cả trời đất lên rồi.