Trong năm ba năm gần đây và đặc biệt là từ sau ‘‘Hội nghị đào tạo ĐH toàn quốc’’ tại Hà Nội (9-11/4/1998) các cấp lãnh đạo đã thực sự băn khoăn, dư luận xã hội đã thực sự bối rối trước những vấn đề của GDĐH. Băn khoăn, bối rối đến nỗi báo chí đã phải dùng đến những từ ngữ như: “ĐH Việt Nam – cuộc thử nghiệm bất thành”, “Hai ĐH quốc gia(ĐHQG)… vẫn còn như một bức tranh dang dở”. Vậy thì vấn đề đang nằm ở đâu ?.
Áp lực của nhu cầu đào tạo ĐH đại trà.
Theo một khảo sát mới nhất về GDĐH trên thế giới thì ngày nay người ta đang có xu thế xem văn bằng ĐH là tấm giấy thông hành không thể thiếu để tuổi trẻ có thể lọt qua được bộ máy sàng lọc của người thuê việc và là một hình thức đầu tư có hiệu quả cao cho tương lai. Hơn nữa, con người đương thời luôn có nhu cầu đuợc học và được hiểu biết. Hai nhu cầu chính đáng và cần thiết này trùng hợp nhau, đưa đến một áp lực rất lớn trong việc mở rộng nhanh quy mô GDĐH. Do đó, nền GDĐH không còn chỉ dành riêng cho một bộ phận “tinh hoa” mà đã trở thành một nền “GDĐH đại trà” (mass).
Trên thế giới số lượng SV đã tăng lên rất nhanh trong nhiều thập niên qua. Theo thống kê năm 1993 của Liên Hiệp Quốc, quy mô GDĐH tính theo tỷ lệ SV trong độ tuổi 18 - 22 ở các nước phát triển cao, trung bình đã là 23,4%, phát triển vừa – 14% và phát triển chậm – 5,7%. Tỷ lệ đó hiện nay ở Pháp là trên 35%, Tây Ban Nha trên 25%, Nauy gần 20%, Thái Lan trên 10%. Về tốc độ tăng, Canada sau 10 năm (1985 – 1995) đã tăng tới 26%, đưa tỷ lệ nói trên lên 40%. Ở Mỹ, sau 130 năm (1840 – 1970) số SV vào ĐH tăng 417 lần trong khi dân số chỉ tăng 12 lần.
Những thay đổi của sứ mệnh.
Cho đến những năm đầu của thế kỷ trước, trường ĐH vẫn thường được hiểu như là “nơi bảo vệ những tri thức và khoa học, sự thật và nguyên lý, v.v…” Thậm chí người ta còn cho rằng: cần phải tách rời việc “mưu cầu chân lý” khỏi những “quan tâm cần thiết” của nhân loại. Thế giới từ nửa sau thế kỷ 20 không còn như vậy nữa, trường ĐH ngày nay lại được hiểu như là “Nơi sản xuất và truyền bá tri thức vì những lợi ích thiết thực của con người”.Cùng với nhu cầu đào tạo đại trà, SV ĐH ngày nay không còn chủ yếu là những tăng đồ và y sinh nữa, chương trình đào tạo ĐH ngày nay không chỉ chủ yếu là các môn học thuộc về (Tiếng Anh gọi là) “Liberal Education” nữa, không chỉ có Ngữ pháp, Logic và Hùng biện, không chỉ có Hình học, Đại số và Thiên văn, v.v…Trường ĐH, Giáo sư ĐH và SV ĐH ngày nay đã được “bình thường hóa”.
Mặt khác, quan trọng hơn là những thay đổi về sứ mệnhcủa các trường ĐH trong nền GDĐH đại trà. Khi mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo như bị giảm xuống. Các nhà GD trên thế giới đã tranh luận dai dẳng vấn đề này từ những năm 60. Và ở Anh đã từng có những nhận định gần như chính thức: “Nhiều hơn có nghĩa là tồi hơn”. Vậy phải chăng các trường ĐH hiện nay đã không còn đáp ứng được những sứ mệnh mới của mình?
Hai xu hướng trong mối quan hệ quy mô và chất lượng.
Xu hướng thứ nhấtxem trường ĐH phải là “tinh hoa” (như nhau) và sứ mệnh của nó vẫn phải là: kết hợp đào tạo trình độ / chất lượng cao với nghiên cứu khoa học (NCKH) như kiểu trường ĐH mà ngày nay người ta gọi là ĐH kiểu truyền thống (Traditional University). Thực tiễn cho thấy, gần như không một nước nào thiết lập được một hệ thống như vậy trong bối cảnh của đào tạo đại trà. Lý do trước hết là chi phí, (kể cả ở những nước dành đến 20-25% ngân sách quốc gia cho GD). Sau nữa, với số đông: tài năng, tư chất, sở thích, hoàn cảnh, chất lượng được đào tạo ở trung học, v.v… của SV là rất khác nhau.
Thuộc xu hướng này, có thể xem Pháp là một điển hình sai lầm. Ở đó, ngoài hệ thống Grandes Ecoles, các trường ĐH còn lại được danh định là đồng nhất về mặt chất lượng. Ở đó, GDĐH cũng được quản lý tập trung từ bộ GD, bằng cấp được “đóng dấu Nhà nước ”. Nhưng ở đó cũng có nhiều SV bỏ học từ năm nhất, thứ hai, có đến 40% SV không đỗ tốt nghiệp được và đã gây ra nhiều vấn đề xã hội mà đặc trưng là sự kiện tháng 5/1968. Cũng theo xu hướng này, ở Morocco, SV trung bình thường phải có 6 năm học để hoàn thành chương trình 4 năm, tỷ lệ tốt nghiệp cũng khá thấp; ở Đức SV cũng phải ngồi chật ở các hội trường lớn và rất hiếm khi gặp được thầy cô giáo.
Trong khi đó, xu hướng thứ hai khẳng định rằng: “Nhiều hơn chắc chắn là tồi hơn nếu ta cứ cố tình biện bạch là tất cả các trường ĐH đều như nhau”. Từ đó, từng bước họ thiết lập một hệ thống GDĐH đại trà phân tầng: Một số ít ĐH kiểu truyền thống đào tạo tinh hoa, chất lượng cao và chú trọng NCKH, đa số các ĐH còn lại có chức năng chủ yếu là đào tạo nghề nghiệp (vocational education). Trên thực tế, một hệ thống “nhị nguyên” (binary) như vậy rẻ hơn, hiệu quả hơn và thích ứng tốt hơn với tài năng và nhu cầu rất khác nhau của SV. Phần Lan, Thụy Sĩ, Úc, Mỹ, một số bang ở Đức…đang đi theo xu hướng này. Ở Úc có hệ thống trường đào tạo nghề sau trung học phổ thông TAFE (Technical and Further Education). Ở Đức có hệ thống ĐH gọi là “Fachhochsehulen” chú trọng những môn học kỹ thuật và dạy nghề. Ở Mỹ có hệ thống CĐ cộng đồng (đã từng bị thế giới chế nhạo).
Thuộc xu hướng này, trường hợp của bang California thường được trích dẫn như một ví dụ thành công. Họ đã tạo nên một cơ cấu 3 tầng các trường ĐH để đảm bảo tính đa dạng: Ở đỉnh là 9 trường ĐH chọn lọc khoảng 12% số SV và bên dưới là hệ thống ĐH “multi-campus” thu nhận khoảng 26% SV và dưới cùng là khoảng 100 trường ĐH cộng đồng đào tạo trên 1 triệu SV của bang. Nhờ cơ cấu này mà họ, một mặt mở rộng được cửa của các trường ĐH, mặt khác lại xây dựng được nhiều trường ĐH có chất lượng cao nhất trên thế giới như Berkeley, California Institute of Technology (chưa đến 2.000 SV), Standford (tiền thân và là trung tâm của khu công nghệ cao Silicon Valey ngày nay), v.v…
Những băn khoăn bối rối trong chất lượng đào tạo.
Trong những thành tựu của 10 năm đổi mới, có lẽ chủ trương “mở rộng quy mô (GDĐH), đa dạng hóa các loại hình đào tạo, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển, v.v…” đã được thực tiễn sinh động khẳng định là con đường đúng. Tuy nhiên, trên con đường này, đúng là đang có những băn khoăn, bối rối.
Trước hết, đó là những băn khoăn bối rối về chất lượng đào tạo. bộ GDĐT nói: “Chất lượng GDĐH đang được nâng dần trên một số mặt”, “có những cải tiến bước đầu”. GS. Nguyễn Văn Hiệu nói: “Sự tụt hậu của hệ thống GDĐH so với chính chúng ta trong những thập kỷ trước” (Thời báo kinh tế Việt Nam, 11/4/98). Thiết nghĩ, chưa phải là như vậy.
Trên thực tế, ở Việt Nam tỷ lệ SV trên dân số tính đến năm 1990, chỉ có 0,2%, còn rất thấp so ngay với các nước trong vùng như Indonesia 1,0%, Thái Lan 1,6%. Vì vậy, khi có chủ trương mở rộng quy mô và xã hội hóa GD, số lượng SV đã tăng lên rất nhanh, tăng hơn 5 lần sau 7-8 năm, đưa tỷ lệ trên lên được xấp xỉ 1,0%. Hiện nay đã có khoảng trên 700.000 SV. Và mục tiêu chiến lược của ngành GDĐT cho những năm sắp đến vẫn là: Tăng tỷ lệ SVĐH trong độ tuổi từ 4,9% hiện nay lên 7% năm 2000, 15% năm 2010 và 25% năm 2020 (Văn kiện Hội nghị TW2). Như vậy, mặc dù số lượng SV đã tăng rất nhanh trong những năm qua, số lượng SV vẫn sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những thập kỷ đến.
Khi mở rộng nhanh quy mô, chúng ta thực sự đã chuyển từ một hệ thống GDĐH cho dưới 5% sang một hệ thống GDĐH cho khoảng 25% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và từng bước chuyển sang nền GDĐH đại trà. Trong bối cảnh đó, chất lượng đào tạo bình quân của cả hệ thống GDĐH có giảm xuống là điều đương nhiên, thiết nghĩ chẳng có gì là phải băn khoăn bối rối. Cần tạm thời chấp nhận điều đó. Hàn Quốc trước đây cũng đã từng chấp nhận như vậy.
Giải pháp là một mạng lưới trường ĐH có dạng phân tầng.
Nếu giả thiết, chúng ta thừa nhận xu hướng thứ hai của thế giới, phải chăng giải pháp cho những băn khoăn bối rối nói trên là một mạng lưới các trường ĐH có dạng phân tầng cho khoảng 10-15 năm đến như sau:
- Các trường ĐH đa lĩnh vựcquốc lập có tính chất quốc gia đào tạo thiên về tinh hoa, theo diện rộng, liên ngành và chú trọng NCKH. Các trường này sẽ đào tạo khoảng 20 - 25% tổng số SV, có tỷ lệ SV sau ĐH cao (30-40%), có quy mô vừa phải và trực thuộc toàn diện bộ GDĐT. Các ĐH đào tạo năng khiếu và đào tạo theo những mục tiêu đặc biệt cũng thuộc nhóm này.
- Các trường ĐH đa ngànhcông lập và tư thục (dân lập), đào tạo chủ yếu về kỹ thuật – nghề nghiệp (technical & vocational) có tính chất đại trà, thầy cô giáo chủ yếu làm công tác giảng dạy. Các trường ĐH này đào tạo khoảng 40% tổng số SV và có thể trực thuộc toàn diện vào bộ GDĐT hoặc trực thuộc vào các bộ chuyên môn – kỹ thuật, ủy ban nhân dân (Sở GDĐT) các tỉnh / thành, các tổng công ty lớn.
- Phát triển từng bước một hệ thống Đại học cộng đồng (ĐHCĐ) ở một số địa phương để đào tạo đại trà phù hợp với nhu cầu và ngành nghề của địa phương, thời gian đào tạo 2 năm. Một số ít SV giỏi ở các trường này có thể học các chương trình chuyển tiếp (transfer programs) để thi chuyển vào các ĐH 4 năm khác. Học phí ở các ĐHCĐ rất rẻ và một tỷ lệ lớn SV được nhận học bổng từ ngân sách địa phương. Trong khoảng 10-15 năm đến, các ĐHCĐ đào tạo khoảng 35 - 40% tổng số SV.
Phải chăng đó là giải pháp cơ bản cho những băn khoăn bối rối nói trên ?