TÀI LIỆU

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN

Social Sciences

Lịch sử

IUCN được thành lập năm 1948 sau một hội nghị quốc tế tại Fontainebleau, Pháp và hiện đặt trụ sở chính tại Gland, Thụy Sĩ. Ngoài ra IUCN còn có 62 chi nhánh ở các quốc gia khác. Số thành viên hiện nay là 1074 (tháng 12/2007) gồm những nhóm thành viên sau:

* 83 thành viên quốc gia (thường là các bộ của các quốc gia, như là bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc, bộ Môi trường Nga)

* 111 thành viên là các tổ chức trực thuộc các chính phủ.

* 847 thành viên là các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có 83 tổ chức quốc tế.

* 33 thành viên từ những tổ chức trực thuộc liên minh.

Ngoài ra còn khoảng 1.000 nhân viên và 10 ngàn nhà khoa học, chuyên gia của 181 quốc gia trên thế giới hoạt động tình nguyện.

Chủ tịch UICN hiện nay là ông Valli Moosa (Nam Phi). Tổng giám đốc hiện nay là bà Julia Marton-Lefèvre (Hungary), từ ngày 2 tháng 1 năm 2007.

Tên gọi qua các thời kỳ

Từ năm 1948 tới năm 1956 có tên gọi theo tiếng Anh là International Union for the Protection of Nature (nghĩa là Liên minh Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên, viết tắt IUPN).

Từ năm 1956 được đổi tên thành International Union for Conservation of Nature and Natural Resources (nghĩa là Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên, viết tắt IUCN hay UICN theo tên gọi bằng tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha). Đây cũng là tên gọi pháp lý đầy đủ của IUCN, mặc dù nói chung người ta chỉ viết là International Union for Conservation of Nature (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên).

Từ năm 1990 tới tháng 3 năm 2008 còn được gọi là World Conservation Union (nghĩa là Liên minh Bảo tồn Thế giới) cùng với tên gọi IUCN. Sau tháng 3 năm 2008 không còn sử dụng rộng rãi tên gọi này nữa.

Phân loại nguy cấp theo Sách đỏ

Từ năm 1963, Liên minh IUCN thường xuyên phát hành Sách đỏ (tiếng Anh là IUCN Red List of Threatened Species, IUCN Red List hay Red Data List) là danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới, chia thành các cấp:

* Extinct EX (tuyệt chủng)

Status iucn3.1.svg

* Extinct in the Wild EW (tuyệt chủng trong tự nhiên)

* Critically Endangered CR (cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng)

* Endangered EN (nguy cấp cao)

* Vulnerable VU (bị đe dọa, sắp nguy cấp)

* Near Threatened NT (sắp bị đe dọa hoặc nguy cơ nhẹ)

* Least Concern LC (ít quan tâm)

* Data Deficient DD (không dủ dữ liệu)

* Not Evaluated NE (không phân loại hoặc không đánh giá)

Theo Sách đỏ IUCN 2007 (danh sách cập nhật ngày 12 tháng 9), tổng cộng 16.306 loài sinh vật (thực- và động vật), được coi là đang nguy cấp, trong đó có 785 loài được coi là đã hoàn toàn tuyệt chủng và 65 loài chỉ còn tồn tại trong môi trường nuôi nhốt (tuyệt chủng trong thiên nhiên), trong tổng số 41.415 loài (của khoảng 1,9 triệu chủng loại trên thế giới) đã được xếp hạng.

Trong bản đánh giá năm 2006 của IUCN, 65 % loài linh trưởng của Việt Nam đang ở trong tình trạng Nguy cấp hoặc Cực kỳ nguy cấp, vì vậy Việt Nam đang là một trong những nước được ưu tiên cao nhất trên toàn cầu về bảo tồn linh trưởng.

Phân loại các Khu vực được bảo vệ

IUCN đã đưa ra một hệ thống xếp loại những khu vực được bảo vệ từ năm 1978 và đến năm 1994 được cải tiến, chia ra như sau :

* Loại Ia và Ib: Strict Nature Reserve/Wilderness Area: Khu bảo hộ thiên nhiên nghiêm ngặt/Khu vực hoang dã, là những khu vực rộng lớn mà mục đích chính là để nghiên cứu hoặc bảo vệ những vùng hoang dã lớn.

* Loại II: National Park : Vườn quốc gia, khu vực mà mục đích chính để bảo vệ hệ sinh thái và để nghỉ dưỡng.

* Loại III : Natural Monument: Di tích thiên nhiên. Khu vực lưu giữ những biểu hiện đặc biệt của thiên nhiên.

* Loại IV : Habitat/Species Management Area: Khu quản lý môi trường sống/loài. Khu vực điều hành đặc biệt.

* Loại V : Protected Landscape/Seascape: Cảnh quan đất liền/cảnh quan biển được bảo vệ. Khu vực để bảo vệ những cảnh quan trên đất liền hoặc trên biển.

* Loại VI : Managed Resource Protected Area: Khu bảo hộ tài nguyên được quản lý. Khu vực điều hành để sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường.

Hội nghị

Cứ 4 năm, các thành viên lại họp Hội nghị Bảo tồn Thế giới (World Conservation Congress), lần thứ ba là vào tháng 11 năm 2004 tại Bangkok, Thái Lan, và lần thứ 4 tổ chức vào tháng 10 năm 2008 tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Cứ 10 năm, lại tổ chức World Parks Congress, trong đó đề ra những sách lược bảo vệ thiên nhiên trong những khu vực được bảo vệ, lần họp vừa rồi là vào tháng 11 năm 2003 tại Durban, Cộng hòa Nam Phi.

Các ủy ban của IUCN

* IUCN Commission on Ecosystem Management (CEM): Ủy ban Quản lý Hệ sinh thái, khoảng 400 thành viên, người đứng đầu hiện nay là Hillary Masundire.

* IUCN Commission on Education and Communication (CEC): Ủy ban Giáo dục và Truyền thông, trên 500 thành viên, người đứng đầu hiện nay là Keith Wheeler (Hoa Kỳ).

* IUCN Commission on Environmental, Economic and Social Policy (CEESP): Ủy ban Chính sách Môi trường, Kinh tế và Xã hội, khoảng 500 thành viên, người đứng đầu hiện nay là Taghi Farvar.

* IUCN Commission on Environmental Law (CEL): Ủy ban Luật Môi trường, khoảng 800 thành viên, người đứng đầu hiện nay là Sheila Abed. Một phần hoạt động chính của CEL là Chương trình Luật Bảo vệ Môi trường (ELP) với việc điều hành một trung tâm Luật Môi trường (IUCN Environmental Law Centre) .

* IUCN Species Survival Commission (SSC): Ủy ban Vì sự sống còn các loài, khoảng 7.000 thành viên, điều hành bởi Holly Dublin. Ủy ban này công bố cuốn Sách đỏ.

* IUCN World Commission on Protected Areas (WCPA): Ủy ban Thế giới về các khu vực bảo hộ, điều hành khoảng 1.300 khu vực được bảo hộ trên thế giới, người đứng đầu hiện nay là Nikita Lopoukhin.