Tài liệu

Sơ lược về chuẩn kiến trúc tham chiếu IoT

Science and Technology

Giới thiệu chung

Chuẩn kiến trúc tham chiếu IoT cần phải bao hàm các nội dung chính sau:

-                Là một khung kiến trúc IoT bao gồm cấu trúc phân lớp lớp nhằm xác định các vùng chuẩn hóa IoT cùng các thành phần chính của các hệ thống IoT;

-                Gồm một mô hình khái niệm IoT được hình thành bởi việc xác định và định nghĩa các miền IoT tổng quát;

-                Là một kiến trúc tham chiếu IoT (IoT RA) được thiết lập thông qua ba quan điểm kiến trúc, cụ thể là các quan điểm hệ thống, truyền thông và thông tin, cho phép xác định các thực thể của các miền IoT cùng các giao diện nội miền và liên miền ở mức cao;

-                Chứa các yêu cầu chung của IoT;

-                Gồm các thuật ngữ và định nghĩa IoT được sử dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, hoặc là được phát triển, điều chỉnh từ những chuẩn hiện tại, hoặc bằng cách xây dựng và phát triển các định nghĩa mới nếu chúng chưa tồn tại;

Tiêu chuẩn về IoT RA tập trung vào khả năng tái sử dụng IoT RA sẵn có của các nhà phát triển và triển khai các hệ thống IoT để phục vụ các ứng dụng và dịch vụ mà họ đang hướng tới.

Mô tả chung về IoT RA

IoT RA là kiến trúc ở mức hệ thống mang tính khái quát chung, tổng quát cho các hệ thống IoT có sử dụng chung các miền. Do đó, một kiến trúc hệ thống IoT đang được phát triển cho một ứng dụng hoặc dịch vụ nhất định có thể tái sử dụng một số, hầu hết, hoặc tất cả các miền và thực thể trong kiến trúc tham chiếu. Kiến trúc sư có thể chọn một vài miền và thực thể IoT RA nào đó cho việc phát triển một kiến trúc ứng dụng hoặc dịch vụ IoT để tái sử dụng mà không cần quan tâm đến các miền và các thực thể khác trong IoT RA. Mặt khác, kiến trúc sư cũng có thể bổ sung các miền và các thực thể nào đó trong kiến trúc ứng dụng hoặc dịch vụ IoT nếu như các miền và thực thể này chưa tồn tại trong IoT RA. Những miền và thực thể nói trên cần được xem xét ký lưỡng để bổ sung vào danh mục tiêu chuẩn quốc tế về IoT RA khi quá trình cập nhật tiêu chuẩn được tiến hành. Ngoài ra, IoT có thể cung cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách để xây dựng một kiến trúc hệ thống IoT cụ thể.

IoT RA cung cấp một điểm khởi đầu nhất quán để phát triển và triển khai các giải pháp kiến trúc cho các hệ thống IoT Systems sao cho tất cả các hệ thống được tạo ra đều có các điểm chung như sau:

a.        Nhất quán về sự tổ hợp thành phần cũng như các mảng thiết kế hệ thống;

b.       Giảm chi phí bằng cách tận dụng tối đa việc tái sử dụng các dịch vụ, sản phẩm, dữ liệu, các định nghĩa, vv;

c.        Giảm thời gian bằng cách bắt đầu với IoT RA hiện tại và toàn diện có thể được điều chỉnh cho một kiến trúc của hệ thống IoT mục tiêu;

d.       Giảm nguy cơ bằng cách:

•         Kết hợp các khả năng toàn cầu cần thiết;

•         Tận dụng các bài học kinh nghiệm và chuyên môn liên quan được nhúng trong IoT RA.

IoT RA không chỉ liệt kê những gì cần thiết phải có trong cấu trúc tổng thể nhằm thúc đẩy khả năng cộng tác giữa các hệ thống IoT với nhau bằng việc mô tả cấu trúc kiến trúc, mà còn chỉ rõ cách thức hoạt động của kiến trúc đó cùng với các miền/thực thể của nó bằng việc phát triển các định nghĩa giao diện một cách tường minh. Tóm lại, IoT RA cung cấp các quy tắc và hướng dẫn để phát triển một kiến trúc hệ thống IoT cùng với các giao diện bên trong kiến trúc đó.

Mỗi một nhà phát triển cũng như kiến trúc sư sẽ có các yêu cầu về thống một cách cụ thể đối với các năng lực ứng dụng và dịch vụ mà một hệ thống IoT mục tiêu cần đáp ứng. Cho dù các yêu cầu hệ thống có thể thay đổi từ một hệ thống IoT này tới một hệ thống IoT khác nhưng IoT RA vẫn đảm bảo cung cấp nền tảng kiến trúc chung cùng với các quy tắc và hướng dẫn giống nhau để IoT RA có thể được tái sử dụng. Việc tuân theo các quy tắc và hướng dẫn chung do IoT RA đặt ra sẽ đảm bảo việc phát triển nên các hệ thống IoT có thể hợp tác và tương tác với nhau.

Đánh giá:
0 dựa trên 0 đánh giá
Nội dung cùng tác giả
 
Nội dung tương tự