TÀI LIỆU

Chợ Lớn

Business

Chợ Lớn (tiếng Hoa: 堤岸 - Đê Ngạn), là tên của khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tẻ trải dài từ Quận 5 và Quận 6 ở Sài Gòn nay là Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam Việt Nam. Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn: thành phố Chợ Lớn. Trong những năm 1930-1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau.

Chợ Bình Tây, ngày 22 tháng 9, 2005

Nguồn gốc

Chợ Lớn vốn là một chợ xưa ở Sài Gòn, do người Hoa sau khi chạy tránh chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh từ Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên... tập trung về đây lập ra chợ năm 1778. Người Hoa ở Chợ Lớn phần lớn là người Quảng Đông và Triều Châu, ngoài ra có một số người Phúc Kiến, người Hẹ và Quảng Tây, một số đến từ Cù Lao Phố năm 1778.

Lịch sử thành phố Chợ Lớn

Xe điện trên đường phố Chợ Lớn năm 1943

Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ra Nghị định thành lập thành phố Chợ Lớn (Municipalité de Chợ Lớn). Đây là loại thành phố cấp 2 (Municipalité de 2e classe) ngang cấp tỉnh, cùng với các thành phố Đà Nẵng và Phnom Penh được thành lập sau này của xứ Đông Dương thuộc Pháp.

Đứng đầu thành phố là viên Đốc lý (Maire), do Thống đốc hoặc Khâm sứ đề cử và Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm.

Thành phố Chợ Lớn tách biệt hẳn với tỉnh Chợ Lớn. Trước năm 1975, trong các mục "Đường bộ" ghi khoảng cách đường bộ giữa các địa điểm, xuất bản tại miền Bắc Việt Nam, thành phố Chợ Lớn cách Sài Gòn 11 km.

Ngày 13 tháng 12 năm 1880, Thống đốc Nam Kỳ lại ra Nghị định thành lập khu Sài Gòn-Chợ Lớn (Region de Sài Gòn-Chợ Lớn), đặt dưới quyền cai trị của Giám đốc Nha Nội Chánh. Khu Sài Gòn-Chợ Lớn bao gồm hai thành phố này và vùng phụ cận. Đến ngày 12 tháng 1 năm 1888, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn lại được tách ra như cũ.

Ngày 1 tháng 7 năm 1882, tuyến đường xe điện đầu tiên ở Việt Nam dài 5 km, rộng 1 m, nối Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu hoạt động.

Theo Bến Nghé xưa của Sơn Nam thì Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp, chưa có dự kiến nên nối liền, còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn, đợi đến năm 1916 mới bắt đầu đắp đường, trải đá ong ... (Đó là đường Galliéni, nay là Trần Hưng Đạo).

Dân số thành phố Chợ Lớn năm 1901 là 63.237 người, và theo kết quả điều tra dân số ngày 15 tháng 2 năm 1920 là 93.949 người.

Đến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã giáp nhau ở chỗ nay là đường Nguyễn Văn Cừ.

Ngày 27 tháng 4 năm 1931, khu Sài Gòn-Chợ Lớn được thành lập lại theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp. Đứng đầu khu Sài Gòn-Chợ Lớn là một Trưởng khu, do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Trưởng khu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Chức Đốc lý vẫn còn tồn tại đến ngày 19 tháng 12 năm 1941 nhưng một số quyền hạn của chức này chuyển sang cho Trưởng khu.

Vào thập niên 1940, dân số thị xã Chợ Lớn tính được 200.000 người, đứng hàng thứ nhì sau Sài Gòn (220.000) trong toàn cõi Đông Dương.

Từ đây thành phố Chợ Lớn nhập vào với thành phố Sài Gòn và đến năm 1956 thì bỏ tên gọi kép, chỉ còn là Đô thành Sài Gòn.

Các điểm tham quan

Tại đây có nhiều quán ăn Trung Hoa, tiệm thuốc bắc như ở đường Lương Nhữ Học, các chùa và hội quán như chùa Bà, chùa Minh Hương, Hội Quán Tuệ Thành, Hội Quán Nghĩa An, Hội Quán Nhị Phủ, Hội Quán Sùng Chính...

Các chợ như chợ Bình Tây, chợ Kim Biên, chợ vải Soái Kình Lâm luôn là những đầu mối bán sỉ cùa thành phố.

Kiến trúc đô thị của Chợ Lớn mang đậm nét của một thành phố Trung Hoa như Hồng Kông, Sán Đầu...Kiến trúc nhà ống cổ đang dần bị mai một.

Chợ Bình Tây

Bệ thờ tượng Quách Đàm trong khuôn viên chợ Bình Tây

Tên của khu vực này lấy từ tên của một ngôi chợ nằm ven kênh Tẻ đoạn gần công viên Đại Thế Giới hiện nay. Sau chợ dời đi đến đường Khổng Tử và lấy tên chính thức là Chợ Bình Tây, còn được gọi là Chợ Lớn Mới, là ngôi chợ được xây cất vào năm 1928, mặt tiền nằm trên Đại lộ Tháp Mười, giữa Đại lộ Hải Thượng Lãn Ông (còn gọi là Đại lộ Khổng Tử) và Đại lộ Hậu Giang, Quận 6. Trước cửa chợ khoảng một dặm là Bến xe Chợ Lớn, khi nối liền với Xa cảng Miền Tây sẽ trở thành nơi mà hàng ngàn dân mua bán mỗi ngày lên xuống từ mỗi tỉnh vùng quê của Miền Tây Nam Bộ Việt Nam. Phía Đông của Chợ Lớn còn có Chợ Kim Biên nằm trên Đại lộ Hải Thượng Lãn Ông, Chợ Bình Tiên ở phía Tây nằm trên đường Minh Phụng, trước mặt cầu Hậu Giang.

Theo nhiều người từ trong và ngoài Việt Nam, tên riêng "Chợ Lớn" còn được xem là một khu vực, hoặc một thành phố nhỏ của Sài Gòn. Khu vực Chợ Lớn bao gồm Quận 5, Quận 6, Quận 10 và Quận 11. Trong 4 quận đó người Hoa tập trung đông đảo nhất tại Quận 5, trở thành một khu trung tâm thương mại lớn nhất của người Hoa ở nước Việt Nam, và họ luôn luôn mang đậm nét văn hóa Trung Hoa suốt bao nhiêu năm qua.

Sở dĩ "Chợ Lớn Mới" có được tên này là vì trước đây trong khu vực này đã từng có một chợ, nằm ngay nơi Bưu Điện Chợ Lớn thời nay, chợ đó sau này thường được nhắc đến bằng tên "Chợ Cũ". Chợ Lớn được xây dựng bởi sau khi Chợ Cũ bị thiêu tàn trong một vụ cháy (thời gian và nguyên nhân của vụ cháy không rõ). Do chợ mới được xây lên rất to lớn vào thời đó, cho nên những người trong khu vực đặt cho được cái tên "Chợ Lớn Mới".

Nguyên thủy, đây là một vùng đất ruộng, một thương gia người Hoa là Quách Đàm (1863-1927) mua lại, chuyển đất ruộng thành đất thổ trạch, rồi tự mình xuất tiền để xây dựng một khu chợ xi măng cốt sắt rất đồ sộ, được người dân quen gọi là chợ Quách Đàm. Bên cạnh khu chợ, ông Quách Đàm cũng cho xây dựng khu phố nhà lầu theo kiểu phố buôn bán và vận động các quan chức cao cấp của Nam Kỳ, kể cả Thống đốc Cognacq để dời Chợ Lớn về đây. Bên trong chợ, ông cũng cho đặt tượng đồng của mình nơi cửa chính.

Tuy nhiên, thời kỳ đầu khi chợ mới được xây dựng, dù đồ sộ, nhưng xung quanh dân cư còn thưa thớt, hơn nữa, các thương gia người Hoa buôn bán tại Chợ Lớn Cũ vốn đã yên nơi yên chỗ cũng không muốn dời phố mới xa xôi thêm hao tốn, vì vậy chợ Quách Đàm chưa sầm uất như bây giờ.