GIÁO TRÌNH

Đạo đức học Mac - Lênin

Humanities

Nguồn gốc của đạo đức

Các quan niệm trước Mác về nguồn gốc của đạo đức.

Trước Mác, Ăngghen, những nhà triết học (kể cả duy tâm và duy vật) đều rơi vào quan niệm duy tâm khi xem xét vấn đề xã hội và đạo đức. Họ không thấy được tính quy định của nhân tố kinh tế đối với sự vận động của xã hội nói chung và đạo đức nói riêng. Do vậy, đạo đức với tính cách là một lĩnh vực hoạt động đặc thù của con người, của xã hội được nhìn nhận một cách tách rời cơ sở kinh tế - xã hội sinh ra và quy định nó. Các nhà triết học, đạo đức trước Mác đã tìm nguồn gốc, bản chất của đạo đức hoặc ở ngay chính bản tính của con người, hoặc ở một bản thể siêu nhiên bên ngoài con người, bên ngoài xã hội. Nét chung của các lý thuyết này là không coi đạo đức phản ánh cơ sở xã hội, hiện thực khách quan.

Các nhà triết học – thần học coi con người và xã hội chẳng qua chỉ là những hình thái biểu hiện cụ thể khác nhau của một đấng siêu nhiên nào đó. Những chuẩn mực đạo đức, do vậy là những chuẩn mực do thần thánh tạo ra để răn dạy con người. Mọi biểu hiện đạo đức của con người do vậy đều là sự thể hiện cái thiện tối cao từ đấng siêu nhiên; và tiêu chuẩn tối cao để thẩm định thiện – ác chính là sự phán xét của đấng siêu nhiên đó.

Những nhà duy tâm khách quan tiêu biểu như Platon, sau là Hêghen tuy không mượn tới thần linh, nhưng lại nhờ tới “ý niệm” hoặc “ý niệm tuyệt đối”, về các lý giải nguồn gốc và bản chất đạo đức suy cho cùng, cũng tương tự như vậy. Những nhà duy tâm chủ quan nhìn nhận đạo đức như là những năng lực “tiên thiên” của lý trí con người. Ý chí đạo đức hay là “thiện ý” theo cách gọi của Cantơ, là một năng lực có tính nhất thành bất biến, có trước kinh nghiệm, nghĩa là có trước và độc lập với những hoạt động với những hoạt động mang tính xã hội của con người.

Những nhà duy vật trước Mác, mà tiêu biểu là L.Phoi-ơ-bắc đã nhìn thấy đạo đức trong quan hệ con người, người với người. Nhưng với ông, con người chỉ là một thực thể trừu tượng, bất biến, nghĩa là con người ở bên ngoài lịch sử, đứng trên giai cấp, dân tộc và thời đại.

Những người theo quan điểm Đác-Uyn xã hội đã tầm thường hóa chủ nghĩa duy vật bằng cách cho rằng những phẩm chất đạo đức của con người là đồng nhất với những bản năng bầy đàn của động vật. Đối với họ, đạo đức về thực chất cũng chỉ là những năng lực được đem lại từ bên ngoài con người, từ xã hội.

Quan niệm mácxít về nguồn gốc của đạo đức.

Quan niệm khoa học về nguồn gốc của đạo đức là quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Khác với tất cả các quan niệm trên, Mác, Ăngghen đã quan niệm đạo đức nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội, là kết quả của sự phát triển lịch sử.

Theo Mác, Ăngghen, con người khi sống phải có “quan hệ song trùng”. Một mặt, con người quan hệ với tự nhiên, tác động vào tự nhiên để thỏa mãn cuộc sống của mình. Tự nhiên không thỏa mãn con người, điều đó buộc con người phải xông vào tự nhiên để thỏa mãn mình. Mặt khác, khi tác động vào tự nhiên, con người không thể đơn độc, con người phải quan hệ với con người để tác động vào tự nhiên. Sự tác động lẫn nhau giữa người và người là hệ quả của hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần mà cơ bản là hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức.

Khi bàn về vai trò của lao động đối với sự hình thành, tồn tại và phát triển của xã hội loài người, Mác, Ăngghen cho rằng “lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người” (Mác, Ăngghen, toàn tập, T 20, NXB CTQG. H 1994, tr 641). Rằng “người ta phải ăn, ở, mặc, đi lại trước khi làm chính trị, khoa học, nghệ thuật…”. Xuất phát từ con người thực tiễn, chứ không phải con người thuần túy ý thức hay con người sinh học, hai ông đi đến quan niệm về phương thức sản xuất quyết định đối với toàn bộ các hoạt động của con người, xã hội loài người. Trong “Lời tựa” của tác phẩm “Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học”, Mác viết: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại chính sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ” (Mác, Ăngghen toàn tập, T13, NXBCTQG H1993, tr 15). Luận điểm này chính là chìa khóa để khám phá tất cả các hiện tượng xã hội trong đó có đạo đức.

Như vậy, đạo đức không là sự biểu hiện của một sức mạnh nào đó ở bên ngoài xã hội, bên ngoài các quan hệ con người; cũng không phải là sự biểu hiện của những năng lực “tiên thiên”, nhất thành bất biến của con người. Với tư cách là sự phản ánh tồn tại xã hội, đạo đức là sản phẩm của những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, của cơ sở kinh tế. “Xét cho cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ” (Mác, Ăngghen toàn tập, T20, NXBCTQG, H1994, tr 137).

Những phong tục đạo đức của người nguyên thủy, đời sống của xã hội văn minh là sản phẩm của hoạt động thực tiễn và các hoạt động nhận thức của xã hội đó. Sự phát triển từ phong tục đạo đức của người nguyên thủy đến ý thức đạo đức của xã hội văn minh là kết quả của sự phát triển từ thấp đến cao của hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người.

Xã hội Cộng sản nguyên thủy là bước đầu tiên con người thoát khỏi trạng thái động vật. Hoạt động thực tiễn của xã hội hết sức thấp kém, chưa tạo nên sản phẩm thặng dư, và do đó, tư hữu và chế độ tư hữu chưa có tiền đề khách quan để xuất hiện. Trong xã hội chưa có hiện tượng áp bức xã hội, nhưng con người vẫn bị nô dịch bởi những lực lượng tự phát của tự nhiên. Tuy nhiên, xã hội nguyên thủy đã đem lại nội dung “ngây thơ” “thuần phác” nhưng “tốt đẹp thơ mộng” cho đạo đức người nguyên thuỷ. Đạo đức này chưa biết nói đến thói xấu, cái ác trong xã hội văn minh. Đây là “ý thức bầy đàn đơn thuần” của “bản năng được ý thức”. Ý thức đạo đức chưa tách ra thành hình thái độc lập.

Đạo đức của con người nguyên thuỷ là hình thái sinh thành trừu tượng của đạo đức. Hình thái của nó cũng trừu tượng và không có tính duy lý.

Những hình thái kinh tế - xã hội có đối kháng giai cấp tạo nên những cơ sở kinh tế, xã hội và tinh thần cho sự phát triển ý thức đạo đức. Những hệ thống đạo đức của các giai cấp khác nhau và đối nghịch nhau đều lấy “những quan niệm đạo đức của mình từ những quan hệ thực tiễn đang làm cơ sở cho vị trí giai cấp của mình, tức là từ những quan hệ kinh tế trong đó người ta sản xuất và trao đổi” (Mác, Ăngghen toàn tập T 20, CTQA H 1994 tr136) Những hệ thống đạo đức đó phản ánh và điều chỉnh những quan hệ xã hội đa dạng, phong phú và phức tạp, trong khi ý thức nói chung và đạo đức nói riêng của người nguyên thủy chỉ phản ánh hoàn cảnh gần nhất có thể cảm giác được. Đạo đức đã tự khẳng định mình là một hình thái ý thức xã hội, là lĩnh vực sản xuất tinh thần của xã hội. Đây là một bước tiến, làm đạo đức phát triển so với xã hội nguyên thủy. Tuy nhiên, bước phát triển này cũng làm nảy sinh những cái ác, tham lam, ích kỷ, lừa dối… mà loài người phải đấu tranh hàng ngàn năm nay để chống lại nó.

Về mặt hình thức, đạo đức của xã hội văn minh đã phát triển vượt bậc. Do nhận thức của loài người vượt bỏ tư duy cụ thể, chuyển sang xây dựng lý luận… Nội dung đạo đức được thể hiện dưới hình thức kinh nghiệm, khái niệm, lý tưởng, chuẩn mực và đánh giá đạo đức, do đó đạo đức ngày càng phát triển về cấu trúc. Và đến lượt mình, sự hoàn thiện cấu trúc làm cho phản ánh và điều chỉnh đạo đức trở nên sâu sắc, tự giác. Nội dung của đạo đức được thể hiện dưới những hình thức cụ thể.

Tuy nhiên, trong xã hội có giai cấp, nội dung và hình thức của đạo đức phát triển nhưng chưa thật nhân đạo, chưa hoàn thiện. Sự hoàn thiện của nội dung đạo đức (thật sự nhân đạo) chỉ có thể đạt được khi con người chiến thắng được tình trạng đối kháng giai cấp và tạo ra những điều kiện để có thể “quên được tình trạng đối kháng giai cấp”. Điều kiện đó chỉ có thể bắt đầu có được bằng đạo đức cộng sản trong xã hội cộng sản mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa. Sự hoàn thiện đạo đức được bắt đầu từ đạo đức của giai cấp công nhân “có nhiều nhân tố hứa hẹn” để dẫn tới một kiểu đạo đức “thật sự có tính nhân đạo”. Như vậy, xã hội cộng sản nguyên thủy với trình độ bắt đầu làm nảy sinh đạo đức do hoạt động thực tiễn và nhận thức đã phát triển đạo đức. Xã hội cộng sản chủ nghĩa trong tương lai mà hiện thực hôm nay đang bắt đầu xây dựng sẽ hoàn thiện đạo đức cả về nội dung lẫn hình thức.

Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đạo đức sinh ra trước hết là từ nhu cầu phối hợp hành động trong lao động sản xuất vật chất, trong đấu tranh xã hội, trong phân phối sản phẩm để con người tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển của sản xuất, các quan hệ xã hội, hệ thống các quan hệ đạo đức, ý thức đạo đức, hành vi đạo đức cũng theo đó mà ngày càng phát triển, ngày càng nâng cao, phong phú, đa dạng và phức tạp.

Đạo đức là sản phẩm tổng hợp của các yếu tố khách quan và chủ quan, là sản phẩm của hoạt động thực tiễn và nhận thức của con người. Những quan hệ người – người, cá nhân - xã hội càng có ý thức, tự giác, ý nghĩa và hiệu quả của chúng càng có tính chất xã hội rộng lớn thì hoạt động của con người càng có đạo đức. Đạo đức “đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn là như vậy chừng nào con người còn tồn tại” (Mác, Ăngghen toàn t T3, CTQG, H 1995, tr 43)

 
MỤC LỤC
NỘI DUNG CÙNG TÁC GIẢ