TÀI LIỆU

Lợi ích của nghề nuôi ong mật

Science and Technology

Mặc dù ong mật đã được con người nuôi cách đây tới 5000 năm nhưng vẫn là nghề mới mẻ đối với nhiều nơi nhất là ở đồng bằng. Từ những cố gắng thực nghiệm vào năm 1960, ngành ong đã chứng minh, có thể nuôi ong ở đồng bằng nhưng phải bằng cách nuôi di chuyển (nghĩa là có thời gian phải đưa ong lên miền núi). Qua quá trình trải nghiệm, nghiên cứu, chính những người nuôi ong đã chứng minh bằng thực tế những khám phá mới sau đây :

  • Có thể nuôi ong “cố định” lâu dài ở đồng bằng
  • Ở đồng bằng chỗ nào cũng có thể nuôi ong được. Thậm chí có thể nuôi tốt ở ngay trong thị trấn, thị xã, hay thành phố.

Chúng ta có thể làm một trắc nghiệm để tự đánh giá khả năng nuôi ong được ở thôn, xã mình bằng cách như sau :

Cho mỗi cây nguồn mật chính sau đây một số điểm (đã được xác định bằng thực nghiệm):

  • Vải : 10
  • Nhãn : 9
  • Bạch đàn chanh : 5
  • Bạch đàn lá liễu : 8
  • Táo : 8
  • Đay : 8
  • Dâu da xoan : 5

(Vải, nhãn, dâu da xoan : tối thiếu phải từ vài chục cây trở lên. Bạch đàn, táo phải từ vài trăm cây trở lên. Đay phải từ vài mẫu trở lên mới được tính điểm).

Địa phương nào đạt đủ cây gì thì tính điểm cây ấy. Nếu địa phương có tổng số điểm đạt được:

  • Từ 20 trở lên : nuôi ong được
  • Từ 30 trở lên: nuôi ong tốt
  • Từ 40 trở lên : nuôi ong cực tốt

Tuy thế, ngay ở các xã điểm thấp ( dưới 20), khi cần vẫn cứ nuôi ong được. Nhưng khi nuôi, phải bổ sung trồng các cây còn thiếu. Trong khi chờ đợi, phải di chuyển đàn ong đi các xã kế cận có các cây trồng thích hợp.

Nuôi ong có hiệu quả kinh tế không nhỏ

Người chưa nuôi ong bao giờ nhìn tổ ong to bằng chiếc vỏ ti vi, đầy ắp những con ong bằng con nhặng bay đi bay về thì lắc đầu , không hiểu tổ ong “khiêm nhường” như thế thì bao giờ thu được chai mật?

Nhưng điều bất ngờ là với đàn ong như thế, mỗi lần quay lấy mật, đều được ít nhất từ 2kg mật ong trở lên ( bằng02 chai dung tích 0,65 lít). Mỗi năm, khiêm tốn nhất cũng lấy được 10 lần mật, tương đương 40 kg ( tính ra tiền là 40.000đ x 40 = 1.600.000đ). Ngoài ra mỗi năm một đàn ong có thể nhân đàn 2 lần, trung bình được thêm 1 – 2 đàn mới nữa, tức khoảng 600.000đ tiền giống ong.

Tính toàn bộ, một đàn ong cho 2.200.000đ mỗi năm. Muốn có lợi tức hơn chcir cần tăng số đàn ong lên: 10 đàn đã là 22 triệu, 20 đàn đã là 44 triệu. Một số gia đình nuôi ong ở Mễ Sở ( Châu Giang, Hưng Yên) mỗi năm thu được tới vài tấn mật (vì có gia đình nuôi tới 200 đàn ong).

Điều đáng chú ý là “thu” như thế nhưng “chi” lại không đáng là bao. Chỉ cần vài cân đường cho mỗi đàn ong ăn thêm khi mưa phùn gió bấc, còn đầu tư cho ông không đáng kể. Nuôi ong không phải cho chúng ăn hàng ngày. Ta chỉ mất tiền mua giống thôi nhưng lại được tất cả.

Cái lợi còn lớn hơn mật ong thu được

Đó là việc làm tăng năng suất cây trồng. Ong góp phần thụ phấn chéo cho cây trồng, làm khả năng đậu quả tăng lên (trung bình làm tăng 20% năng suất). Một số cây như : lê, táo…không có ong thụ phấn có khi không đậu quả.

Người ta đã tính nếu trung bình giá trị mật ong thu được một thì hiệu quả giá trị năng suất cây trồng thu được mười. Một xã có một vài người nuôi ong mật là giúp tăng năng suất cây trồng cho cả xã đó.

Cuối cùng, mỗi thùng ong còn giống như một xưởng bào chế

Các sản phẩm của ong như : nọc ong, sáp ong, keo ong, phấn hoa…thậm chí xác ong đực , đều được dùng làm thuốc để chữa bệnh cho người, đặc biệt là sữa chúa và mật ong. Sữa chúa là vị thuốc trường sinh, làm người già trẻ lại. Còn mật ong vừa là thuốc chữa bệnh, vừa là thuốc bổ dưỡng, lại thích hợp với mọi lứa tuổi, miễn là mật ong thứ thiệt. Nuôi một đàn ong là đủ mật ong dùng cho cả gia đình. Nuôi 2 đàn trở lên là có mật ong hàng hóa cung cấp cho thị trường.