TÀI LIỆU

Môi trường và phát triển-Phần II

Social Sciences

Khái niệm chung về biến đổi môi trường

Khái niệm: chất phát thải ra môi trường, chất lượng môi trường vùng xung quanh và tổn thất

Bây giờ chúng ta hãy xem điều gì xẩy ra ở cuối hai mũi tên Rpd và Rcd trong sơ đồ 1.2. Rất dễ nhận thấy rằng đó là các chất phát thảit ra môi trường.

Chất phát thải ra môi trường là các chất thải sau sản xuất hay tiêu dùng của hoạt động kinh tế được đưa trực tiếp vào môi trường, khi vượt quá khả năng hấp thụ của môi trường chúng sẽ làm thay đổi chất lượng môi trường ở vùng xung quanh, gây ra thiệt hại cho con người và sinh vật trong vùng bị ảnh hưởng . Mối liên hệ nhân - quả này được thể hiện ở sơ đồ 1.3. Sơ đồ 1.3 nêu ra hai nguồn chất phát thải ra môi trường 1 và 2 (có thể là do doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay cá nhân người tiêu dùng). Các đầu vào bao gồm nhiều loại vật tư, hàng hoá và áp dụng nhiều loại công nghệ khác nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Đương nhiên, trong quy trình chúng ta tạo ra các chất phát thải. Việc xử lý các chất này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các giai đoạn tiếp theo. Một số có thể được phục hồi và tái tuần hoàn; còn phần nhiều được chuyển sang các quy trình xử lý để làm cho chúng vô hại khi phát thải ra môi trường. Trong các quy trình xử lý chất thải, một số mang tính vật lý thuần tuý như bộ giảm thanh ở xe du lịch và xe tải, bể lắng ở các nhà máy xử lý nước thải, bộ chuyển hóa xúc tác, v.v…; còn một số khác gồm các loại xử lý bằng hoá chất, chẳng hạn như kỹ thuật xử lý nguồn nước thải gia đình đang áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Sơ đồ 3: Chất phát ra, chất lượng môi trường vùng xung quanh và thiệt hại

Tất cả các chất phát thải ra môi trường đều được đưa vào một thành phần môi trường cụ thể nào đó: nước, không khí hay đất, các thành phần này có sự liên quan rất chặt chẽ với nhau.

Từ sơ đồ trên ta thấy mặc dù các dòng vật chất phát thải ra từ hai nguồn khác nhau, nhưng khi đã phát thải vào thành phần môi trường chúng hợp lại với nhau thành một nguồn phát thải hỗn hợp . Ví dụ: Chất phát thải ra nguồn nước từ hai nhà máy giấy cùng phân bố dọc bờ của một con sông thì hỗn hợp chất thải trong nước sông không thể phân định là của nhà máy nào. Hay là, khi có một triệu chiếc mô tô chạy trong một thành phố, thì chất thải phát ra của chúng kết hợp lại thành một hỗn hợp đồng nhất. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chúng ta có thể phân định được. Ví dụ, nếu có một nhà máy nhiệt điện phân bố trong thành phố và nhà máy khác lại phân bố cách thành phố vài ba chục cây số ở đầu gió, thì rõ ràng là nhà máy điện ở gần hơn phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc gây ô nhiễm không khí trong thành phố.

Hỗn hợp các chất phát thải ra môi trường là một vấn đề rất quan trọng. Nếu chỉ có một nguồn phát thải thì trách nhiệm được phân định một cách rõ ràng và để cải thiện chất lượng xung quanh, chúng ta có thể biết được một cách chính xác phải kiểm soát những chất phát thải nào. Nhưng với nhiều nguồn phát thải khác nhau, thì vấn đề trở nên phức tạp và kém rõ ràng hơn.

Khi các chất thải với số lượng và chất lượng nhất định được thải vào một thành phần của môi trường, thì các quá trình lý, hoá, sinh, khí động học, v.v… của hệ thống tự nhiên sẽ có những điều chỉnh làm cho chúng có ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng ở vùng xung quanh. Vì những điều kiện khí hậu và thời tiết thường xuyên thay đổi, nên cùng một mức độ phát thải vào môi trường, có thể gây nên mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với môi trường xung quanh tại các thời điểm khác nhau. Mưa axít được sinh ra do các quá trình phát thải điôxyt lưu huỳnh từ hoạt động sản xuất và hơi nước trong không khí, sau đó được gió làm loãng trong bầu khí quyển. Khói bụi trong bầu khí quyển cũng là kết quả của các phản ứng hoá học tổng hợp giữa ánh sáng mặt trời và nhiều chất ô nhiễm khác. Các quá trình thuỷ động học nước ngầm có ảnh hưởng đến sự vận chuyển các vật chất trong hệ thống nước ngầm dưới đất, v.v… Do đó, muốn biết được các chất phát thải vào môi trường ảnh hưởng đến chất lượng môi trường vùng xung quanh, chúng ta cần hiểu rõ bản thân môi trường hoạt động như thế nào về mặt vật lý, hóa học và sinh học. Đây chính là những lĩnh vực của các nhà khoa học tự nhiên, nghiên cứu toàn bộ các hiện tượng biến đổi của môi trường nhằm xác định ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh.

Những sự thay đổi của thành phần môi trường sẽ dẫn đến sự biến đổi của các hệ sinh thái và những biến đổi khác, thường những sự biến đổi đó gây ra những tổn thất mà con người phải gánh chịu. Và, cuối cùng, những tổn thất phải gánh chịu lại có liên quan đến việc đánh giá của con người. Con người không thể có những quyết định vô căn cứ khi giải quyết mối quan hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường, mà chúng ta chỉ có thể ưa thích những quyết định này hơn so với lựa chọn khác khi chúng ta đánh giá được giá trị tổn thất về mặt kinh tế do biến đổi môi trường gây ra.

Các loại chất ô nhiễm

Về mặt vật lý, như chúng ta thấy trong sơ đồ 1.3, các chất phát thải ra môi trường vào ba thành phần môi trường khác nhau. Tuỳ theo mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến trạng thái kinh tế của chất phát thải, chúng ta có thể phân chúng thành các loại sau đây:

a. Chất ô nhiễm luỹ tích và chất ô nhiễm không luỹ tích

Một đặc trưng quan trọng và đơn giản của chất ô nhiễm môi trường là chúng được tích luỹ theo thời gian hay có xu hướng tiêu tan ngay sau khi được phát ra. Ví dụ, tiếng ồn. Khi nguồn gây tiếng ồn hoạt động thì tiếng ồn phát ra và lan truyền vào không gian xung quanh, nhưng ngay khi tắt nguồn thì tiếng ồn cũng mất. Ở đầu này chất ô nhiễm được phát ra, thì ở đầu kia chúng ta sẽ có chất ô nhiễm môi trường với số lượng gần như lúc chúng phát ra. Như chất thải phóng xạ chẳng hạn, chúng phân rã theo thời gian, nhưng với tốc độ hết sức chậm so với đời sống của con người, cho nên chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn với chúng ta. Chúng là loại chất ô nhiễm cực kỳ lũy tích. Hay chất dẻo cũng vậy. Mặc dù trong nhiều thập kỷ qua, người ta đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra các chất dẻo thoái hoá được, nhưng chất dẻo vẫn là một chất phân huỷ rất chậm. Nó cũng là chất ô nhiễm luỹ tích. Nhiều loại hoá chất là chất ô nhiễm luỹ tích, mỗi khi phát ra, về cơ bản, chúng vẫn tồn tại với chúng ta.

Xen kẽ giữa chất ô nhiễm luỹ tích và không luỹ tích là loại chất ô nhiễm lũy tích đến một mức độ nhất định nào đó, chứ không luỹ tích hoàn toàn. Ví dụ: Chất thải hữu cơ phát ra vào môi trường nước của các nhà máy xử lý chất thải đô thị. Mỗi khi phát ra, chất thải chịu tác động của quá trình hoá học tự nhiên, có xu hướng phá vỡ cấu trúc của nó, làm cho nó trở nên vô hại. Nói cách khác, nước có khả năng đồng hoá tự nhiên nên có thể tiếp nhận các chất hữu cơ và làm cho chúng ít có hại hơn. Nếu như không vượt quá khả năng đồng hoá đó, chúng ta có thể cắt nguồn chất thải đi thì trong một thời gian nhất định, nước sẽ trở lại bình thường. Đương nhiên, tự nhiên có một ít khả năng đồng hoá không có nghĩa là chúng ta có các chất ô nhiễm hoàn toàn không tích luỹ. Khi chất thải phát ra đã vượt quá khả năng đồng hoá thì có nghĩa là chúng ta chuyển vào quy trình lũy tích. Ví dụ: Khí quyển của Trái Đất có một khả năng nhất định hấp thụ CO2 do hoạt động của con người phát ra, miễn là không vượt quá khả năng đó. CO2 là một chất ô nhiễm không luỹ tích. Nhưng, nếu khả năng đồng hoá CO­2 của Trái Đất bị vượt quá, thì tất yếu chúng ta sẽ lâm vào tình thế chất phát ra lũy tích theo thời gian. Đây là điều đang xảy ra hiện nay.

Sơ đồ1.4: Mối quan hệ giữa các chất phát thải phổ biến và nồng độ ô nhiễm ở xung quanh

Đối với một chất ô nhiễm có luỹ tích hay không, thì chúng ta vẫn có cùng một vấn đề cơ bản. Đó là nêu ra những tổn thất môi trường và chi phí làm giảm chất phát thải. Với chất ô nhiễm lũy tích, điều này khó giải quyết hơn nhiều so với chất ô nhiễm không luỹ tích. Sơ đồ 1. 4 biểu thị (a) chất ô nhiễm không luỹ tích và (b) chất ô nhiễm luỹ tích. Ở bên (a), đồ thị bắt đầu từ gốc tức là các nồng độ phổ biến xung quanh tỷ lệ với các chất phát thải phổ biến. Rõ ràng là các nồng độ ở xung quanh là một hàm của các chất phát thải phổ biến. Nếu giảm được các chất phát thải xuống số không thì sẽ làm cho các nồng độ ở xung quanh là số không. Tuy nhiên, đối với chất ô nhiễm luỹ tích thì mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn. Vì chúng luỹ tích, nên các chất thải hiện nay bổ sung vào lượng chất ô nhiễm đã có sẽ gây thiệt hại không những cho hôm nay, mà còn cho tương lai, thậm chí tương lai xa hơn. Điều đó có nghĩa là số lượng phổ biến ở môi trường xung quanh của một chất ô nhiễm luỹ tích có thể chỉ ít có quan hệ với các chất phát thải phổ biến. Nhìn vào sơ đồ 1. 4, ta thấy đồ thị bên (b) bắt đầu khá xa trên trục tung và thoải hơn đồ thị bên (a). Do đó, việc cắt giảm chất phát thải ra hôm nay chỉ đem lại hiệu quả khá khiêm tốn đến nồng độ chất phát thải phổ biến. Và ngay cả khi chúng ta cắt giảm chất phát thải ngày hôm nay xuống số không, thì chất lượng môi trường xung quanh vẫn bị giảm sút do hiệu ứng luỹ tích của các chất phát thải trước đây. Trên thực tế, một chất ô nhiễm luỹ tích theo thời gian trong môi trường gây nên hiệu ứng phá vỡ mối quan hệ trực tiếp, chặt chẽ giữa chất phát thải phổ biến và thiệt hại phổ biến. Giải quyết mối quan hệ nhân - quả phức tạp này đòi hỏi những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn để tìm ra các giải pháp cơ bản, lâu dài và khả thi.

b) Chất ô nhiễm địa phương, vùng và toàn cầu

Các chất phát thải có phạm vi ảnh hưởng rất khác nhau. Một số chất phát thải mang tính cục bộ, chỉ có ảnh hưởng trong một vùng nhỏ hẹp. Ví dụ: ô nhiễm tiếng ồn, suy thoái cảnh quan môi trường mang tính địa phương và thiệt hại do bất cứ nguồn nào gây ra cũng thường được giới hạn bởi các nhóm dân cư nhỏ sinh sống tại một vùng nhất định. Ngược lại, một số chất phát thải khác lại lan truyền ô nhiễm trong cả một vùng rộng lớn, có thể ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu. Chẳng hạn, mưa axít là một vấn đề mang tính vùng; các chất phát thải tại một vùng nào đó ở Mỹ hoặc Châu Âu có ảnh hưởng đến dân cư của các vùng khác trong nước hay nước khác. Hiệu ứng làm suy giảm tầng ôzôn của Clo, Fluo, Các bon phát ra từ nhiều nước phát triển do những thay đổi hoá học ở tầng bình lưu của Trái Đất là ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Đương nhiên, các vấn đề môi trường địa phương dễ giải quyết hơn so với các vấn đề môi trường vùng và quốc gia. Đến lượt mình, các vấn đề môi trường vùng và quốc gia dễ quản lý và giải quyết hơn so với các vấn đề môi trường toàn cầu. Nếu tôi đun bếp than thì làm ảnh hưởng đến hàng xóm và giữa tôi và hàng xóm có thể giải quyết được với nhau hoặc nếu không thì chúng tôi nhờ các nhà chức trách. Nhưng nếu tôi gây ô nhiễm ở phạm vi rộng hơn thì sẽ khó giải quyết hơn. Trong những năm gần đây, nhân loại đang phải đối đầu với những vấn đề môi trường toàn cầu tăng lên. Cho đến nay, chưa tìm ra những biện pháp hữu hiệu để giải quyết chúng, một phần là do chưa lí giải được một cách chính xác bản thân của các tác động vật lý của chúng và phần khác là do các tổ chức quốc tế chuyên trách chỉ mới hình thành và chưa hoạt động thực sự.

c) Chất ô nhiễm có điểm nguồn và không có điểm nguồn

Các nguồn ô nhiễm cũng khác nhau về mức độ dễ dàng nhận biết các điểm phát thải hiện tại. Chẳng hạn, các điểm mà ở đấy điôxyt lưu huỳnh thoát ra khỏi một nhà máy điện rất dễ nhận biết qua ống khói của nó. Hay là, các nhà máy xử lý chất thải đô thị thường chỉ có một cửa ống tháo xả tất cả các loại nước thải. Đó là các chất ô nhiễm có điểm nguồn. Nhưng ngược lại, có nhiều chất ô nhiễm không thể xác định được rõ ràng điểm phát thải. Ví dụ như các hoá chất dùng trong nông nghiệp. Chúng thường chảy tản mát ra trong đất và có thể gây ô nhiễm sông, suối, ao, hồ, hay mạch nước ngầm. Tuy nhiên, khó có thể xác định chúng phát ra từ đâu. Đây là chất ô nhiễm không có điểm nguồn. Sự thoát nước sau những trận mưa to ở các vùng đô thị cũng là một trường hợp ô nhiễm không có điểm nguồn. Đương nhiên, chúng ta dễ thấy rằng, chất ô nhiễm có điểm nguồn có thể được nghiên cứu, đo lường, giám sát và giải quyết dễ dàng hơn so với chất ô nhiễm không có điểm nguồn. Điều đó có nghĩa là phát triển và quản lý thông qua việc hoạch định và thực thi các chính sách kiểm soát ô nhiễm có điểm nguồn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

d) Chất phát thải liên tục và không liên tục

Các chất phát thải từ các nhà máy nhiệt điện hay các nhà máy xử lý chất thải đô thị, nhiều hay ít, đều mang tính liên tục, bởi vì nhà máy được thiết kế để vận hành một cách liên tục, mặc dù tốc độ vận hành có thể thay đổi theo thời gian (mùa vụ). Do đó, chất phát thải từ các nhà máy này ít nhiều là liên tục và vấn đề đặt ra ở đây chính là làm sao quản lý được tốc độ chất phát thải thông qua các chương trình quản lý hữu hiệu.

Bên cạnh các chất ô nhiễm phát ra liên tục, còn có nhiều chất ô nhiễm phát ra không liên tục, từng hồi. Sự cố dầu hoặc hoá chất độc tràn ra là những ví dụ điển hình. Vấn đề chính sách môi trường ở đây là thiết kế và quản lý một hệ thống sao cho có thể giảm được tối đa sự cố môi trường. Các chất ô nhiễm phát ra từng hồi, trong thời gian ngắn, khó có thể đo lường được và chúng chứa đựng những hiểm hoạ khủng khiếp đối với tính mạng của con người (chẳng hạn các chất phóng xạ thoát ra khỏi các nhà máy điện nguyên tử). Vì vậy, để xác định nguy cơ của các chất ô nhiễm phát ra nhất thời, chúng ta phải thu thập các số liệu về diễn biến hiện thời qua một thời gian đủ dài hoặc ước lượng chúng dựa trên các thông tin thiết kế - xây dựng và hoạt động của nhà máy. Sau đó, chúng ta phải xác định mức bảo hiểm mong muốn đối với các chất ô nhiễm phát ra không liên tục, từng hồi.

e) Tổn thất môi trường không liên quan đến chất thải

Ở trên, chúng ta đã tập trung vào những đặc tính của các loại chất ô nhiễm môi trường khác nhau có liên quan đến việc thải các chất thải vật chất và năng lượng. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng môi trường mà không thể theo dõi được qua các chất thải ra. Chẳng hạn, việc lấy đất trồng trọt để xây dựng nhà ở, đường sá, trung tâm thương mại, v.v… làm giảm giá trị môi trường, giá trị môi sinh hay giá trị cảnh quan của đất đai. Hay là các kiểu sử dụng đất khác như để khai thác mỏ, khai thác gỗ cũng có những tác động rất lớn đến chất lượng môi trường. Trong tất cả mọi trường hợp, chúng ta đều phải đánh giá, phân tích những nguyên nhân thúc đẩy người ta tạo ra những tác động đó và tìm cách thay đổi những khuyến khích sao cho phù hợp với mục đích bảo vệ môi trường. Mặc dù chúng ta không thể giám sát, điều khiển lượng vật chất phát ra ở đây, song chúng ta có thể nắm bắt, mô tả, ước lượng những hậu quả có thể xảy ra để đề ra những giải pháp quản lý thích hợp.

Các dạng biến đổi môi trường

Ô nhiễm môi trường

Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, ô nhiễm môi trường được định nghĩa như sau:

"Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường".

Quan niệm của thế giới cho rằng, ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển sinh vật hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường. Các tác nhân ô nhiễm, bao gồm các chất thải ở dạng khí (khí thải), lòng (nước thải), rắn (chất thải rắn) chưa hoá chất hoặc tác nhân vật lý, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ.

Tuy nhiên, môi trường chỉ được coi là bị ô nhiễm nếu trong đó hàm lượng, nồng độ hoặc cường độ các tác nhân trên đạt đến mức có khả năng tác động xấu đến con người, sinh vật và vật liệu.

Suy thoái môi trường

Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, suy thoái môi trường được định nghĩa như sau:

"Suy thoái môi trường là sự làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên"

Trong đó, thành phần môi trường được hiểu là các yếu tố tạo thành môi trường bao gồm: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.

Sự cố môi trường: Đánh giá rủi ro

Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, sự cố môi trường được định nghĩa như sau:

" Sự cố môi trường là các tai biến hoặc rủi ro xẩy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên gây suy thoái môi trường nghiêm trọng"

Sự cố môi trường xảy ra do:

a. Bão, lũ, lụt, hạn hán, nứt đất, động đất, trượt đất, sụt lở đất, núi lửa phun, mưa axít, mưa đá, biến động khí hậu và thiên tai khác.

b. Hoả hoạn, cháy rừng, sự cố kĩ thuật gây nguy hại về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kĩ thuật, văn hoá, an ninh, quốc phòng.

c. Sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản, dầu khí; sập hầm lò, phụt dầu, tràn dầu, vỡ đường ống dẫn dầu, dẫn khí; đắm tàu, sự cố tại cơ sở lọc hoá dầu và các cơ sở công nghiệp khác.

d. Sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử, nhà máy sản xuất, tái chế nhiên liệu hạt nhân, kho chứa chất phóng xạ.

Đánh giá rủi ro là đánh giá về số lượng và chất lượng của rủi ro ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và hệ sinh thaí, gây ra do độc hại môi trường tiềm năng hoặc thực tế.

Tiêu chuẩn môi trường

Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam ,

"Tiêu chuẩn môi trường là những chuẩn mức, giới hạn cho phép, được quy định dùng làm căn cứ để quản lý môi trường"

Thông qua định nghĩa cho thấy, tiêu chuẩn môi trường có quan hệ mật thiết với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hệ thống tiêu chuẩn môi trường là một công trình khoa học liên ngành, nó phản ánh trình độ khoa học, công nghệ, tổ chức quản lý và tiềm lực kinh tế - xã hội có tính đến dự báo phát triển. Cơ cấu của hệ thống tiêu chuẩn môi trường bao gồm các nhóm chính sau đây.

a. Những quy định chung

b. Tiêu chuẩn nước, bao gồm nước mặt nội địa, nước ngầm, nước biển và ven biển, nước thải v.v…

c. Tiêu chuẩn không khí, bao gồm khói bụi, khí thải (các chất thải) v.v…

d. Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ đất canh tác, sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

e. Tiêu chuẩn bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

f. Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ các nguồn gen, động thực vật, đa dạng sinh học.

g. Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hoá.

h. Tiêu chuẩn liên quan đến môi trường do các hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng đất, ngoài biển v.v…

Hiện nay ở việt nam chúng ta đã có bộ tiêu chuẩn quy định về chất lượng môi trường do cục đo lường tiêu chuẩn, bộ khoa học cộng nghệ và môi trường trước đây ban hành.

PHÁT TRIỂN

Khái niệm về phát triển

-Thuật ngữ "phát triển" đã được dùng trong các văn kiện, trong nghiên cứu khoa học và trong sinh hoạt hàng ngày đến mức quá quen thuộc. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể nói được rằng khái niệm "phát triển" đã được hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn.

- Phát triển là xu hướng tự nhiên đồng thời là quyền của mỗi một cá nhân, mỗi một cộng đồng hay mỗi một quốc gia.

- Trước hết, cần nhận thức rõ đối tượng, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Con người vừa là đối tượng, vừa là động lực của phát triển. Vì thế, mục tiêu của sự phát triển là không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất, văn hoá, tinh thần của con người (cá nhân hay cộng đồng). Nói cách khác:

- Phát triển là tạo điều kiện cho con người sinh sống bất kỳ nơi đâu trong một quốc gia hay trên cả hành tinh đều được trường thọ, đều được thoả mãn các nhu cầu sống, đều có mức tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ tốt mà không phải lao động quá cực nhọc, đều có trình độ học vấn cao, đều được hưởng những thành tựu về văn hoá và tinh thần, đều có đủ tài nguyên cho một cuộc sống sung túc, đều được sống trong một môi trường trong lành, đều được hưởng các quyền cơ bản của con người và được bảo đảm an ninh, an toàn, không có bạo lực.

Phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế

- Phát triển kinh tế là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất của sự phát triển nói chung. Nhưng phát triển kinh tế không phải là mục đích tự thân và cũng không thể là vô hạn. Nó phải phục vụ, thúc đẩy để đạt được các mục tiêu chung của sự phát triển.

- Để thực hiện tái sản xuất mở rộng, bất cứ nền kinh tế nào cũng đều phải bảo đảm tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, trong lý luận cũng như trong thực tiễn kinh tế, đôi khi có sự lầm lẫn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế, người ta dễđồng nhất hai khái niệm đó.

Phát triển kinh tế có thể hiểu là một quá trình lớn lên(hay tăng tiến)về mọi mặt của nên kinh tế trong thời kỳ nhất định.Trong đó bao gồm cả sự tăng thêm về quy mô sản lượng(tăng trưởng)và sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế-xã hội”

Nguồn: Kinh tế phát triển, tập I, trang 15. NXBTK.1999

- Tăng trưởng kinh tế, theo cách hiểu hiện đại, là việc mở rộng sản lượng quốc gia tiềm năng của một nước, sự tăng lên không ngừng GNP tiềm năng thực (GNP thực - là GNP đã được điều chỉnh theo sự thay đổi giá: GNP thực = GNP danh nghĩa-Giảm phát của GNP)

Việc mở rộng khả năng kinh tế để sản xuất, nói một cách khác, đó là việc chuyển dịch khả năng sản xuất ra phía ngoài qua thời gian, đó là tăng sản lượng, năng suất, tiền công và những đại lượng quan trọng khác theo chiều hướng nhất định.

Tăng trưởng kinh tế được đo bằng tốc độ quy mô

+ Tốc độ tăng trưởng được tính bằng tỉ lệ phần trăm thông qua việc so sánh quy mô của hai thời kỳ. Quy mô của thời kỳ sau so với thời kỳ trước càng lớn thì tốc độ tăng trưởng càng nhanh. Quy mô được biểu hiện bằng số lượng tuyệt đối, còn tốc độ tăng trưởng được biểu hiện bằng số lượng tương đối. Quy mô của thời kỳ sau so với thời kỳ trước càng lớn thì tốc độ tăng trưởng càng nhanh. Nhưng không phải tốc độ tăng trưởng càng nhanh thì càng tốt!

+ Trong nền kinh tế, sự tăng trưởng chung thể hiện ở tốc độ tăng GNP và tốc độ tăng GDP, mà chúng lại phụ thuộc vào tốc độ tăng giá trị sản lượng, sản lượng thuần tuý của các ngành kinh tế. Nhưng tốc độ tăng của các ngành lại khác nhau theo những quy luật nhất định. Vì thế, trong từng thời kỳ, nếu không bảo đảm được các mối quan hệ có tính quy luật giữa các ngành, thì sẽ gây rối loạn trong nền kinh tế, hạn chế sự phát triển chung của nền kinh tế.

- Như vậy, ta thấy: tăng trưởng kinh tế chưa phải là phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế, mặc dù rất quan trọng, nhưng chỉ mới là điều kiện cần của phát triển kinh tế. Điều kiện đủ của phát triển kinh tế là trong quá trình tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm được tính cân đối, tính hiệu quả, tính mục tiêu và tăng trưởng kinh tế trước mắt phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển.

- "Môi trường hay phát triển": một cách đặt vấn đề sau lầm.Trong lịch sử phát triển của các quốc gia, đã có một thời, nhất là sau cuộc cách mạng công nghiệp, phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu, lấn át tất cả những yếu tố khác của sự phát triển: xã hội, văn hoá, môi trường, quyền con người, v.v... Thậm chí, khuynh hướng "phát triển với bất cứ giá nào", phát triển tự phát đã trở nên thịnh hành, gây ra những hậu quả hết sức tai hại cho cả môi trường lẫn xã hội, văn hoá.

Ngay cả trong thời điểm hiện nay, khi mà cuộc chạy đua phát triển giữa các quốc gia, giữa các khu vực kinh tế của thế giới đang diễn ra ngày càng gay gắt, khốc liệt, thì khuynh hướng "phát triển với bất cứ giá nào" vẫn được tôn sùng trên thực tế, đặc biệt là ở các nước đang phải đối đầu với nghèo đói, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển. Trong bối cảnh đó, người ta dễ có khuynh hướng hi sinh môi trường và các yếu tố khác cho phát triển kinh tế. Những người quá sốt ruột trước tình trạng lạc hậu, kém phát triển của nước mình thường lập luận rằng "cứ phát triển kinh tế đã rồi sẽ tính sau". Kết quả là môi trường bị suy thoái làm cho cơ sở của phát triển bị thu hẹp; tài nguyên của môi trường bị giảm sút về số lượng và chất lượng, trong điều kiện dân số ngày càng tăng lên, chính là nguyên nhân gây nên sự nghèo khó, cùng cực của con người. Tấn thảm kịch ở một số nước châu Phi (như Xômali, Êtiopia, Uganda, Ruanđa, v.v...) là một bằng chứng cho sự "ô nhiễm do nghèo đói" (Pollution of Poverty) ở các nước đang phát triển.

- Ngược lại với khuynh hướng trên là khuynh hướng "tăng trưởng bằng không hoặc âm" (Zero or Negative Growth) để bảo vệ các nguồn tài nguyên hữu hạn, hoặc "chủ nghĩa bảo vệ" chủ trương không can thiệp vào các nguồn tài nguyên sinh học để bảo vệ chúng: hay "chủ nghĩa bảo tồn" (Conservationism) chủ trương không đụng chạm vào thiên nhiên, nhất là tại các địa bàn chưa được điều tra, nghiên cứu đầy đủ. Tất cả những khuynh hướng, quan điểm trên đều là không tưởng, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, nơi mà tài nguyên thiên nhiên là nguồn vốn cơ bản cho mọi hoạt động phát triển của con người.

Lý thuyết không tưởng về"đình chỉ phát triển" thường xuất hiện ở các nước phát triển, bởi vì trước đây và ngay cả hiện nay phần lớn các nguồn tài nguyên của các nước đang phát triển bị khai thác lạm dụng, tiêu thụ quá mức để phục vụ cho các lợi ích của các nước công nghiệp hoá phát triển và chính tại đây lại xảy ra hiện tượng "ô nhiễm do giàu có" (Pollution of affluence).

Như vậy, tình trạng thiếu lương thực, nước uống, nhà ở, thuốc men, vệ sinh, nghèo đói, mù chữ, thiên tai ở các nước đang phát triển, hay nói cách khác là hiện tượng "ô nhiễm do nghèo đói" một phần bắt nguồn từ "ô nhiễm do giàu có".

-Từ những điều trình bày trên, ta thấy: phát triển và môi trường không phải là hai vế luôn luôn đối kháng và mẫu thuẫn nhau theo kiểu loại trừ, có cái này thì không có cái kia. Do đó, không thể chấp nhận cách đặt vấn đề "phát triển hay môi trường", mà phải đặt vấn đề "phát triển và môi trường", nghĩa là phải lựa chọn và coi trọng cả hai, không hy sinh cái này vì cái kia.

Các mô hình chiến lược phát triển

Tổng kết kinh nghiệm phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, có thể phân ra ba mô hình chiến lược phát triển sau đây:

Mô hình tăng trưởng tân cổ điển.

Mô hình loại này hoạt động theo cơ chế thị trường kế hoạch hoá dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân, tích luỹ vốn từ trong nước và thu hút vốn từ nước ngoài.

Hiện nay, mô hình này tỏ ra không có hiệu quả do những nhược điểm thường thấy ở các nước đang phát triển về cơ cấu và thể chế kinh tế - xã hội như: thiếu một thị trường năng động, thiếu hạ tầng cơ sở, thiếu kiến thức về kỹ thuật và quản lý, ảnh hưởng tiêu cực của các thế lực chính trị bảo thủ ở trong và ngoài nước gây ra những trở lực lớn cho phát triển.

Tình trạng này đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế, cải cách triệt để về kinh tế - xã hội tại các nước đang phát triển.

Đối với bảo vệ môi trường và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ chế của mô hình này có ưu điểm là xác định sở hữu tư nhân rõ ràng, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nó cũng thể hiện tính kém hiệu quả, bởi lẽ sở hữu tư nhân có những mặt hạn chế nhất định trong việc quản lý những nguồn tài nguyên sở hữu chung, khả năng kiểm soát của Nhà nước sau khi đã giao quyền sở hữu.

Mô hình cơ cấu tân mácxí.

Mô hình này dựa trên cơ sở kế hoạch hoá tập trung, sở hữu Nhà nước về các tư liệu sản xuất chủ yếu, Nhà nước thống nhất quản lý kinh tế, tiến hành những cải cách về cơ cấu và cơ chế xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ phong kiến và tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội XHCN.

Trong mô hình này các quốc gia cũng quan tâm nhiều tới bảo vệ môi trường và duy trì các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ chế của nó có ưu thế là sức mạnh quản lý Nhà nước tập trung cao độ, tuy nhiên do tính chất sở hữu chung trong điều kiện thiếu luật pháp nên dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, tài nguyên sở hữu chung là nguyên nhân dẫn đến xuất hiện “người ăn không”. Do sở hữu Nhà nước đè nặng lên toàn bộ hoạt động kinh tế, nên cơ chế kế hoạch hoá tập trung thường mang tính chủ quan duy ý chí, nó cũng là nguyên nhân của “con dao hai lưỡi” trong điều hành và kiểm soát, nếu chính sách đúng thì có tác dụng tốt cho bảo vệ môi trường và duy trì các nguồn tai nguyên thiên nhiên, nhưng nếu chính sách sai thì nó là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại cho tài nguyên và môi trường không lường trước được. Điều này đã từng gặp phải ở các nước XHCN trước đây.

Mô hình cơ cấu tư bản chủ nghĩa.

Mô hình này hoạt động trên cơ sở sở hữu tư nhân và cơ chế thị trường tự do, kế hoạch hoá phát triển kinh tế, nhưng những kế hoạch do Nhà nước đề ra chỉ mang tính định hướng, có tiến hành một số cải cách về cơ cấu và thể chế kinh tế như cải cách ruộng đất, tăng cường một số biện pháp kiểm tra và quản lý của Nhà nước đối với công nghiệp, có xây dựng một số xí nghiệp Nhà nước làm chủ lực cho nền kinh tế, có chú ý đến phân phối công bằng những thành quả phát triển kinh tế trong xã hội.

Thực tế cho thấy hiện nay mô hình này đang có tính phổ biến trên thế giới, nó là sự kế thừa tiếp theo của hai mô hình trên. Đối với bảo vệ môi trường và duy trì, khai thác, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ chế của mô hình này đã thể hiện được những tính ưu việt của nó, đó là sự kết hợp giữa phân định sở hữu tư nhân rõ ràng và sự điều hành kiểm soát của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật, cơ chế của mô hình này cho phép phản ánh thông tin hai chiều, kết hợp cơ chế thị trường, vai trò sở hữu tư nhân và sự điều hành kiểm soát của Nhà nước. Cơ chế của mô hình này cũng có những mặt trái của nó, gây ra những thiệt hại cho tài nguyên và môi trường, đặc biệt là việc buông lỏng quản lý, thực thi luật pháp thiếu nghiêm minh.

Mô hình chiến lược phát triển của Việt Nam

Trước Đại hội VI của Đảng (1986)

Xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu XHCN về tư liệu sản xuất, hoạt động theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung.

Sau Đại hội VI của Đảng.

- Sau Đại hội VI, đặc biệt là Đạir hội VII (1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Trong đó, đã xác định mô hình chiến lược phát triển kinh tế của nước ta như sau: Xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước

- Đến đại hội Đảng cộng sản việt nam lần thứ IX (2000), trong chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2001-2010, về mục tiêu tổng quát của chiến lược 10 năm của Việt nam là: "Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Liên quan đến chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2001-2010, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản việt nam đã khẳng định " Phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường"" Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học. Chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, của sự biến động khí hậu bất lợi và tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh còn lại đối với môi trường. Bảo vệ và cải tạo môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, tăng cường quản lý Nhà nước đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân. Chủ động gắn kết yêu cầu cải thiện môi trường trong mỗi quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế-xã hội, coi yêu cầu về môi trường là một tiêu chí quan trọng đánh giá các giải pháp phát triển.

Việt nam được thế giới xác định là quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi, thực tế như đã nêu ở trên, từ cương lĩnh đại hội Đảng lần thứ VI, đến đại hội Đảng lần thứ IX, trải qua 15 năm đổi mới và phát triển đã thể hiện tính đúng đắn của nó. Kinh tế liên tục tăng trưởng, xã hội ổn định, chúng ta là một trong những quốc gia tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, duy trì và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tham gia nhiều công ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn thời gian vừa qua, với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước cũng đã thể hiện những mặt trái của nó. liên quan đến bảo vệ môi trường và bảo tồn, duy trì các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như vấn đề phá rừng, xâm phạm tài sản quốc gia, vấn đề khai thác và buôn bán động vật hoang giã, sự hạn chế giảm thiểu ô nhiễm ở các doanh nghiệp Nhà nước….Những lý do này đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đối với bảo vệ môi trường, song song với nó là tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trong chiến lược phát triển của mình, nhằm hướng tới phát triển bền vững như trong chiến lược phát triển của đất nước đến năm 2010 đã được đại hội Đảng lần thứ IX khẳng định.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Khái niệm "Phát triển bền vững"

+ Đây là khái niệm hoàn toàn mới mẻ, xuất hiện trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên hành tinh từ trước đến nay, phản ánh xu thế của thời đại và định hướng tương lai của loài người.

+ Theo kinh tế học Herman Daly(

( ) Theo Conexion số 3, tháng 9, 1992
) (làm việc ở Ngân hàng thế giới) thì một thế giới bền vững là một thế giới không sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo (như nước, thổ nhưỡng, sinh vật) nhanh hơn quá trình tìm ra những loại thay thế chúng và không thải ra môi trường các chất độc hại nhanh hơn quá trình Trái Đất hấp thụ và vô hiệu hoá chúng.

+ Năm 1987, Ủy ban thế giới về Môi trường và Phát triển đã công bố báo cáo: tương lai chung của chúng ta. Báo cáo này đã đề cập và phân tích mối liên kết chặt chẽ giữa môi trường và phát triển. Theo như lời của chủ tịch ủy ban, Gro Harlem Brudtland: "Môi trường là nơi chúng ta đang sống; phát triển là những gì chúng ta làm để cố gắng cải thiện tất cả mọi thứ ở bên trong nơi chúng ta sống, và do vậy hai vế này không thể tách rời nhau". Thông điệp chính của tuyên ngôn này là nếu chúng ta phá hủy nơi sống của chúng ta thì sẽ không có sự phát triển. Trong Báo cáo này cũng đưa ra định nghĩa về khái niệm phát triển bền vững (Sustainable Development). Theo đó phát triển bền vững là: "sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai". Có thể coi đây là định nghĩa đầu tiên được dùng chính thức và hiện vẫn được sử dụng trong các văn bản của chương trình môi trường liên hợp quốc (UNEP).

+ Như vậy, có thể thấy: "Phát triển bền vững là một sự phát triển lành mạnh, trong đó sự phát triển của cá nhân này không làm thiệt hại đến lợi ích của cá nhân khác, sự phát triển của cá nhân không làm thiệt hại đến lợi ích của cộng đồng, sự phát triển của cộng đồng người này không làm thiệt hại đến lợi ích của cộng đồng người khác, sự phát triển của thế hệ hôm nay không xâm phạm đến lợi ích của các thế hệ mai sau và sự phát triển của loài người không đe doạ sự sống còn hoặc làm suy giảm nơi sinh sống của các loài khác trên hình tinh (các loài cộng sinh). Bởi vì sự sống còn của con người là dựa trên cơ sở duy trì được sản lượng, năng suất tự nhiên, khả năng phục hồi và sự đa dạng của sinh quyển.

Nội dung phát triển bền vững.

Từ khái niệm phát triển bền vững, thực chất là một sự phát triển có tinh tổng hợp cao và có hệ thống. Tiếp cận quan điểm hệ thống và tổng hợp cho phép hai nhà môi trường học Canađa là Jacobs và Sadler trình bày mối quan hệ biện chứng giữa phát triển và môi trường trong sơ đồ dưới đây (H.1.2)

+ Cực môi trường. Cũng giống như sự phát triển của sinh vật, sự phát triển xã hội phải giải đáp được bài toán do môi trường đặt ra. Trong bất kì phương án quy hoạch phát triển nào theo hướng bền vững cũng đều phải tính toán kỹ mối tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên sao cho sự phát triển kinh tế - xã hội không làm suy thoái hoặc huỷ diệt môi trường, bảo tồn tài nguyên, ngăn chặn ô nhiễm.

+ Cực kinh tế. Theo quan điểm của trường phái phát triển bền vững, thì sinh lực kinh tế của một xã hội tuỳ thuộc vào khả năng giải quyết vấn đề giá trị thặng dư bằng cách sử dụng giá trị thặng dư để trao đổi và bù đắp những thiệt hại do sự phát triển kinh tế đơn thuần gây ra. Giá trị thặng dư có thể được tạo ra bằng cách nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ,... Đối với những sản phẩm được chế tạo từ nguồn gốc thiên nhiên, vấn đề chủ yếu là xét xem tài nguyên thiên nhiên đó có khả năng tái tạo hay không. Nếu không thì phải tiến hành nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm có khả năng thay thế. Muốn vậy, phải cộng thêm vào giá thành sản phẩm làm từ tài nguyên không tái tạo một loại chi phí khác đủ để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thay thế. Trong cực này phải đảm bảo sự tăng trưởng, hiệu quả và ổn định.

+ Cực xã hội. Sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội, nghĩa là nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Đó cũng chính là sự phát triển tự sinh do chính xã hội ấy chủ động thực hiện, chứ không phải là một sự phát triển ngoại sinh, sống nhờ hoàn toàn vào nguồn lực từ bên ngoài, muốn vậy phải giảm đói nghèo, thường xuyên xây dựng thể chế tốt và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

- Tổng hợp lại, ta thấy: Phát triển bền vững là một sự phát triển cân đối giữa ba cực tăng trưởng Kinh tế, xã hội và môi trường, không được xem nhẹ cực nào.

- Trên quan điểm động, xem xét mối quan hệ kinh tế, xã hội và môi trường cho phát triển bền vững được thể hiện thông qua sơ đồ sau (H 1.4)

Các chỉ số phát triển bền vững

Khái niệm cũng như nội dung "Phát triển bền vững" như đã trình bày ở trên, đây là vấn đề rộng lớn, mang tính tổng hợp cao. Để đo lường phát triển bền vững có nhiều chỉ tiêu khác nhau, có những chỉ tiêu định lượng được, nhưng cũng có những chỉ tiêu khó định lượng mà chỉ dừng ở mức độ định tính, có thể dùng các chỉ số về sinh thái, chỉ số phát triển con người (Human Developed Index - HDI) do UNDP đưa ra (xem UNDP. Human Developing Report 1992).

Làm thế nào đề đánh giá được sự phát triển là bền vững trên một lãnh thổ? Có thể định lượng được không? Mức độ chấp nhận sự định lượng đó ra sao? Đây là vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất mà con người phải vượt qua để chấp nhận và thực hiện. Xã hội loài người gồm các dân tộc rất khác biệt về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng, chính trị, giáo dục và truyền thống, họ cũng rất khác nhau về mức độ phồn thịnh về chất lượng cuộc sống và điều kiện môi trường mà sự nhận thức về sự khác biệt đó cũng rất khác nhau, hơn nữa sự khác biệt đó lại thường xuyên vận động khi tăng lên khi giảm đi. Bởi vậy, đánh giá thế nào là phát triển bền vững mang tính tuỳ thuộc rất lớn. Điều dễ thống nhất hơn cả là ngày nay nhu cầu có một cuộc sống ấm no dễ chịu, điều kiện sống ngày một nâng cao, tính đa dạng sinh học và năng suất sản xuất của tự nhiên luôn giữ vững đang là nguyện vọng và quyết tâm bảo vệ của nhân loại. Chính vì vậy mà qua một thời gian dài thảo luận, tranh luận quyết liệt, các chính phủ và các nhà khoa học cũng đã thống nhất được các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững. UNDP đã đưa ra một hệ thống nhiều chỉ tiêu tập trung ở chỉ tiêu phát triển của con người (Human Development Index HDI) và chỉ tiêu về sự tự do của con người (Human Free Index HFI). Tuy vậy, hiện nay chỉ có 2 nhóm chỉ tiêu chủ yếu sau đây được vận dụng nhiều nhất.

Chỉ số về sinh thái:

Chỉ số này rất khó lượng hoá vì tuỳ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh tự nhiên trên từng lãnh thổ. Một cách tổng quát là sự phát triển gọi là đạt chỉ tiêu này khi sự phát triển ấy vừa giải quyết được nhiệm vụ tăng trưởng triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được các hệ sinh thái cơ bản trên lãnh thổ xác định, tức là bảo vệ được môi trường nền trên một phạm vi rộng của không gian lãnh thổ. Đo lường chỉ tiêu này trên một lãnh thổ cụ thể thường người ta căn cứ vào sự đa dạng sinh học, mức độ khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tái sinh và không có khả năng tái sinh.

Chỉ số phát triển con người (HDI).

Từ những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các tổ chức quốc tế có khuyến nghị sử dụng chỉ số phát triển con người HDI để làm thước đo phân loại trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các nước. Người ta cũng khuyến nghị nên sử dụng chỉ tiêu này để đánh giá và phân loại các nước giàu nghèo. Vậy nội dung và bản chất của HDI là gì?

Chỉ số HDI là thước đo tổng hợp về sự phát triển của con người trên phương diện sức khỏe, tri thức và thu nhập.

Ký hiệu và cách tính ba chỉ tiêu thành phần như sau:

- Trình độ giáo dục : D

- Tuổi thọ : E

- Thu nhập đầu người: I

Đối với mỗi vùng (Hay mỗi nước) thứ k, trình độ giáo dục D được cấu thành bởi hai thành tố: tỷ lệ người lớn biết chữ và tỷ lệ nhập học các cấp giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Ta có chỉ tiêu tổng hợp:

DIk = a x Tỷ lệ người lớn biết chữ (Dik) + b x tỷ lệ nhập học các cấp (Dik).

Trong đó, a và b là hai hệ số dương, người ta đã xác định được a = 2/3 và b = 1/3. Đối với các chỉ tiêu thành phần, chỉ số phát triển giáo dục DIk của vùng (hay nước) thứ k được tính theo công thức:

Trong đó:

EIk là chỉ số tuổi thọ trung bình.

EK là tuổi thọ bình quân tính từ khi sinh

Emin và Emax là tuổi thọ tối thiểu và tối đa của dân cư.

3.2.3. Chỉ số thu nhập đầu người.

Chỉ số thu nhập được đo bằng GDP thực tế đầu người theo sức mua tương đương tính bằng đô la Mỹ (PPP USD).

Đối với sự phát triển của con người ngoài chỉ số HDI, hiện nay người ta còn dùng các chỉ số khác như HPI-1; HPI-2 là các chỉ số nghèo khổ con người cho các nước đang phát triển; Chỉ số GDI là chỉ số phát triển giới....

Ngoài ra, còn có những chỉ số được các nước trên thế giới sử dụng, đặc biệt là ở các nước phát triển như chỉ sô về sự tự do con người (HFI - Human Free Index): việc làm, tôn trọng quyền con người, an sinh, không có bạo lực, v.v...

Tóm lại, so với phát triển kinh tế đơn thuần, phát triển bền vững là một bài toán hết sức phức tạp, không phải lúc nào cũng có thể giải quyết một cách tối ưu được, bởi vì trong thực tế, người ta thường đứng trước một sự lựa chọn không dễ dàng, hoặc cái này hoặc cái kia. Song xuất phát từ một cách nhìn tổng thể, một chiến lược phát triển có tính toán đầy đủ tất cả các nhân tố, các khía cạnh, từ kinh tế đến phi kinh tế và một khả năng dự báo tương lai có tính hiện thực, thì phát triển bền vững vẫn được đánh giá là một phương pháp phát triển lành mạnh và có giá trị nhất dễ được xã hội thừa nhận.

Những nguyên tắc của một xã hội bền vững

Sự bền vững trong cuộc sống của một dân tộc phụ thuộc rất lớn vào sự hoà hợp của dân tộc đó với các dân tộc khác và với thiên nhiên. Con người chỉ khai thác được những gì thiên nhiên mang lại nghĩa là con người chỉ phát triển trong giới hạn thiên nhiên cho phép. Con người không loại bỏ những phúc lợi do cách mạng kỹ thuật mang lại nhưng cũng phải là những kỹ thuật tuân theo những nguyên tắc nói trên.

Cuộc sống bền vững phải dựa trên những nguyên tắc nhất định, những nguyên tắc đó liên kết cộng đồng con người lại tạo nên một xã hội phát triển bền vững. Những nguyên tắc đưa xã hội hướng tới sự phát triển bền vững liên hệ khăng khít với nhau, chúng hướng dẫn hành vi con người chứ không phải là mệnh lệnh, nó hướng tới tương lai chứ không quay lại quá khứ, nó liên kết các dân tộc với nhau để có hành động chung còn mức độ vận dụng lại tuỳ thuộc vào từng dân tộc.

Những nguyên tắc đó là:

Nguyên tắc 1: Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống của cộng đồng

Con người có trách nhiệm phải quan tâm đến đồng loại và các hình thức tồn tại khác của sự sống trong hiện tại và tương lai. Cần phải chia sẻ công bằng những phúc lợi và chi phí trong việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường giữa các cộng đồng với các nhóm có liên quan giữa người nghèo với người giàu, giữa thế hệ hiện tại với nhau và thế hệ hiện tại với thế hệ mai sau.

Toàn thể các dạng sống trên trái đất tạo thành một hệ thống vĩ đại lệ thuộc nhau, tác động lên nhau và cùng phụ thuộc vào các yếu tố của sinh quyển. Giữa các xã hội loài người cũng liên quan đến nhau và các thế hệ tương lai chịu ảnh hưởng của những hành động của con người thế hệ hiện tại. Thế giới tự nhiên ngày càng bị tác động mạnh mẽ của con người vì vậy phải làm sao cho những tác động đó không đe doạ sự sống còn của muôn loài khác để chúng ta còn có cơ hội dựa vào đó để sinh tồn và phát triển. Vì vậy nguyên tắc này vừa thể hiện tránh nhiệm vừa thể hiện đạo đức của con người.

Nguyên tắc 2: Cải thiện chất lượng cuộc sống con người

Mục tiêu của sự phát triển kinh tế xã hội của con người là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, đây là đặc thù mà con người từ thế hệ này sang thế hệ khác hướng tới. Phát triển kinh tế là rất quan trọng nhưng nó không mang ý nghĩa tự nhân, các dân tộc có chiến lược, sách lược và mục tiêu cụ thể khác nhau nhưng cái chung nhất có thể thống nhất được là xây dựng một cuộc sống lành mạnh no đủ, có một nền giáo dục tốt, có quyền sống tự do về chính trị được bảo đảm an toàn và không có bạo lực, có đủ tài nguyên cho sự phát triển lâu dài ... Tóm lại là con người ngày một đầy đủ hơn, cuộc sống tốt hơn trong sự phát triển chân chính.

Nguyên tắc 3: Bảo vệ sự sống và tính đa dạng của trái đất

Cuộc sống mà loài người hoàn toàn phụ thuộc vào những hệ thống thiên nhiên trên trái đất. Vì vậy sự phát triển trên cơ sở bảo vệ phải bảo vệ được cấu trúc, chức năng và tính đa dạng của những hệ thống ấy. Vì thế chúng ta phải:

- Bảo vệ hệ thống nuôi dưỡng sự sống, đó là các quá trình sinh thái nuôi dưỡng và bảo tồn sự sống, nó điều chỉnh khí hậu, điều hoá chất lượng không khí, nguồn nước, chu chuyển các yếu tố cơ bản làm các hệ sinh thái luôn được hồi phục.

- Bảo vệ tính đa dạng sinh học không chỉ là tất cả các loài động thực vật cùng các tổ chức sống khác mà còn bảo vệ nguồn gen di truyền có trong mỗi loài và các dạng sinh thái khác nhau.

Nguyên tắc 4: Bảo đảm chắc chắn việc sử dụng các nguồn tài nguyên.

Nguồn tài nguyên tái tạo bao gồm đất, nước, không khí, thế giới động thực vật… phải được sử dụng sao cho chúng có thể phục hồi được. Nguồn tài nguyên không tái tạo phải được kéo dài quá trình sử dụng bằng cách tái sinh tài nguyên, dùng tài nguyên có thể tái tạo để thay thế hoặc sử dụng tiết kiệm. Chỉ có như vậy mới có nguồn tài nguyên cung cấp cho hàng trăm triệu người tăng lên hàng năm và cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp.

Nguyên tắc 5: Giữ vững trong khả năng chịu đựng của Trái đất

Khả năng chiu đựng của Trái đất thực chất là tổng hợp khả năng chịu đựng của tất cả các hệ sinh thái có trên Trái đất. Các tác động lên các hệ sinh thái do đó tác động tới sinh quyển sao cho chúng không bị biến đổi theo hướng xấu đi nguy hiểm, chúng có thể tự phục hồi, chúng "chịu đựng" được. Khả năng chịu đựng này thay đổi theo từng vùng và rõ ràng rất phụ thuộc vào mật độ tác động tức là phụ thuộc vào số lượng con người và hành vi sử dụng của con người. Chính sách kinh tế, chính sách dân số và cách sống của con người trên một địa bàn và khả năng chịu đựng của thiên nhiên ràng buộc chặt chẽ với nhau và cần quản lý chặt chẽ.

Nguyên tắc 6: Thay đổi thái độ và thói quen sống của mọi người

Cuộc sống bền vững được xây dựng trên những cơ sở đạo đức mới do đó con người phải xem xét lại các giá trị và thay đổi cách ứng xử. Cuộc sống xã hội phải xây dựng, đề ra các tiêu chuẩn đạo đức và phê phán lối sống không dựa trên nguyên tắc bền vững. Dùng mọi hình thức giáo dục chính thức và không chính thức để mọi người có cách ứng xử có các hành vi cần thiết trong việc tác động lên thiên nhiên hướng tới thiên nhiên vững bền.

Nguyên tắc 7: Cho phép các cộng đồng tự quản lý lây môi trường của mình.

Phần lớn các hoạt động sáng tạo và có hiệu quả của cá nhân và các nhóm đều xảy ra trong cộng đồng, các cộng đồng thường tạo ra những điều kiện thuận lợi và sẵn sàng thực hiện các hành động có ích cho xã hội vì các cộng đồng hơn ai hết biết quan tâm đến đời sống của chính mình. Nhờ nắm vững tình hình môi trường xung quanh nên khi họ có quyền lực họ có thể tự quản lý môi trường họ sống một cách thích hợp nhất, tiết kiệm và hiệu quả nhờ đó mà chất lượng môi trường được nâng cao.

Nguyên tắc 8:Tạo ra một cơ cấu quốc gia thống nhất cho việc phát triển và bảo vệ.

Mỗi xã hội tiến bộ phải dựa trên cơ sở nguồn thông tin phong phú, kiến thức dồi dào, cơ cấu luật pháp vững chắc, giáo dục toàn diện, một nền kinh tế ổn định và chính sách xã hội phù hợp. Tuy vậy, để cho xã hội phát triển bền vững các quốc gia phải xây dựng chất lượng phát triển tính đến tất cả các quyền lợi dự kiến cũng như ngăn chặn các trở lực có thể xảy ra do sự suy thoái điều kiện phát triển là chất lượng môi trường, các chính sách điều chỉnh liên tục hoạt động phát triển để phù hợp các nhu cầu mới của xã hội cũng như bảo vệ được điều kiện môi trường. Vì vậy, chính sách quốc gia phải gắn liền chính sách kinh tế với khả năng chịu đựng của môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo đảm sao cho nguyên tắc người sử dụng tài nguyên phải trả giá cho việc sử dụng đó.

Nguyên tắc 9: Kiến tạo một cơ cấu liên minh toàn cầu

Trong thế giới ngày nay không một quốc gia nào tồn tại theo phương thức tự cấp tự túc được vì vậy sự phát triển bền vững toàn cầu phải là hành động của toàn nhân loại, toàn cầu phải là một liên minh vững chắc. Do mức độ phát triển không đồng đều nên các nước có thu nhập thấp phải được sự hỗ trợ của các nước giàu có và của cộng đồng quốc tế nói chung thì mới bảo vệ được môi trường của mình. Các nguồn tài nguyên của hành tinh nhất là không khí, nguồn nước và các hệ sinh thái chỉ có thể bảo vệ bằng sự quản lý chung, mục đích chung và giải pháp thích hợp. Toàn thể các quốc gia đều được lợi từ sự phát triển bền vững và cùng bị thiệt hại nếu không thực hiện được điều đó.