Lươn là loài thủy sản phổ biến ở nước ta. Thịt lươn ngon, bổ và thường được coi là mốn ăn cao cấp. Xúp lươn, cháo lươn, miến lươn, chả lươn, lươn om, lươn hun khói, lươn sào xả ớt… là những món ăn phổ biến trong nhân dân.
Lượng đạm trong thịt lươn tới 18,37%. Trong y học người ta nói rằng, thịt lươn còn có tác dụng an thần. Người mắc bệnh khó ngủ nên ăn thêm cháo lươn. Trẻ con bị còi xương, dùng xương lươn hầm rất tốt. Máu lươn cũng có thể chữa được bệnh cảm cúm.
Các nhà sinh học còn coi lươn là một đối tượng nghiên cứu thú vị vì nó có quá trình biến cơ thể cái thành đực – một hiện tượng hiếm hoi.
Từ lâu, lươn là mặt hàng xuất khẩu đặc biệt mà Seaprodex đã từng giới thiệu. Rất tiếc, ta chưa bao giờ lo đủ số lượng tối thiểu cho thị trường thế giới. Lươn đông lạnh, lươn tẩm dầu hun khói, lươn tươi…là những mặt hàng hấp dẫn mà bạn bè luôn trong đợi. Trước đây, chúng ta tỏ chức mua gom. Ở phía Bắc, việc xuất khẩu lươn sống mỗi năm lên tới hàng trăm tấn. Ở phía Nam, trước ngày giải phóng, mỗi năm Bạc Liêu cũng thu được 1000 tấn, còn Châu Đốc là 2000 tấn. Tất cả lượng lươn này đều được thu bắt trong tự nhiên.
Bạn bè chúng ta ở khắp năm châu đều thích ăn lươn. Tại Đức, món lươn hộp chỉ được dùng vào các bữa tiệc để chiêu đãi khách quí. Ở Hà Lan, giá 1kg lươn lên tới 20,8 đô la. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc rất cần lươn. Hầu như các loại thủy đặc sản của Việt Nam đều được người Trung Quốc hâm mộ. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, lượng ba ba và ếch của chúng ta cạn kiệt do nó được vét để đưa sang Trung Quốc. Báo chí đã lên tiếng cảnh báo mối nguy cơ tuyệt chủng đối với những loài này. Chúng tôi đã vào cuộc và nhanh chóng đưa ra được qui trình nuôi ba ba và nuôi ếch. Việc triển khai các qui trình này được tiến hành rộng khắp suốt từ Bắc vào Nam. Vì vậy, nguy cơ ấy bị đẩy lùi. Tiếp tới là đến con lươn. Lươn cũng được tìm mua ráo riết. Hàng trăm tấn lươn được đưa kìn kìn sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…yêu cầu về lươn ở ngay trong nước cũng rất lớn. Nếu bạn để ý sẽ thấy, có lúc ta ế thịt, ế rau chứ chưa bao giờ thấy… ế lươn! Mức sống của nhân dân ngày càng lên cao thì lươn càng bán càng chạy. Ở các thành phố và thị trấn đôi khi người mua phải đặt trước mới có được lươn để đãi khách. Nguy cơ hết lươn cũng xuất hiện ở nhiều vùng. Vì vậy, chúng tôi cũng đã bắt tay vào cuộc. Nhiều cơ sở đã cộng tác với chúng tôi để nghiên cứu và xây dựng nên qui trình nuôi lươn.
Năm 1992, cuốn “Kỹ thuật nuôi lươn” của chúng tôi đã được NXB Nông nghiệp in và phát hành. Đây cũng là cuốn sách hướng dẫn nuôi lươn đầu tiên ở Việt nam. Vào thời điểm đó, sách đã giúp cho nhiều bà con đủ kiến thức để tiến hành nuôi lươn. Tuy nhiên, phong trào nuôi lươn vẫn chưa rầm rội như nuôi ba ba hay nuôi ếch. Mặt khác, qui trình lúc ấy của chúng tôi mới chỉ là những bước đi ban đầu, nó chưa tối ưu. Gần đây, một số cơ sở nghiên cứu và sản xuất ở một số tỉnh cho thử nghiệm các phương pháp nuôi mới. Kết quả rất tốt. Vì vây, phong trào nuôi lươn lại rộ lên. Chúng tôi đã cho kiểm tra lại và bổ sung, chỉnh sửa để qui trình nuôi lươn được hoàn thiện và đạt hiệu quả cao nhất. Việc triển khai được tiến hành ở nhiều nơi. Bà con nuôi thấy dễ dàng và có hiệu quả rõ rệt. Nếu phong trào được mở rộng thì con lươn chắc chắn sẽ thành một mặt hàng thủy sản mạnh của chúng ta. Nhiều tác giả cũng liên tiếp cho ra những tài liệu để hướng dẫn nuôi lươn. Phương pháp nuôi lươn và cách nuôi lươn được phổ cập tới nhiều người. Đó là điều kiện thuận lợi để dân ta bắt tay vào nghề mới này.
Việt nam đã chính thức ra nhập WTO. Đây là cơ hội lớn để các mặt hàng của chúng ta thâm nhập vào thị trường thế giới. Cùng với các loài thủy đặc sản, chắc chắn con lươn sẽ có thêm nhiều bạn hàng mới. Chúng ta từng đưa sản lượng lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su…lên hàng nhất, nhì thế giới. Vậy sao con lươn ngon lành của chúng ta không thể vươn lên một vị trí cao hơn?!
Chúng tôi nghĩ rằng, nếu quyết tâm, chúng ta sẽ đưa con lươn lên thành mọt loại thủy đặc sản hấp dẫn. Tất nhiên, cả về sản lượng và công nghệ chế biến đều phải có những bước chuyển biến mới. Phải đầu tư cả về kỹ thuật và vốn liếng thì chúng ta mới đẩy mạnh được việc nuôi lươn ở mọi miền lên một đỉnh cao mới. Hy vọng, sẽ tới lúc cả thế giới biết tới mặt hàng lươn hấp dẫn của Việt Nam với sự ngưỡng mộ và mong muốn…