GIÁO TRÌNH

Môi trường và con người

Science and Technology

Các nhu cầu khác của con người

Tác giả: Lê Thị Thanh Mai

Nhu cầu học tập

Rất cần thiết đối với mỗi con người nhằm tự hoàn thiện, trang bị những kiến thức chuyên môn. Nhu cầu học tập có mối liên quan mật thiết với các nhu cầu khác như công nghiệp hóa-đô thị hóa; phát triển tài nguyên trí tuệ; tăng chất lượng cuộc sống.

Nhu cầu học tập của con người nhằm nâng cao trình độ, tìm những cái mới, sáng tạo ra những vật chất để phục vụ cuộc sống …

Đối với các quốc gia, việc đầu tư cho giáo dục là con đường làm tăng tài nguyên trí tuệ, đồng thời là xu hướng phổ cập nghề cho thanh niên và nhân dân lao động. Hiện nay các hình thức đáp ứng nhu cầu học tập của con người:

(a) Loại hình: Hiện có 2 loại hình giáo dục

  • Giáo dục đại chúng: nhằm nâng cao trình độ dân trí.
  • Giáo dục chọn lọc: nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên và cũng là đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân tài cho đất nước.

(b) Hệ thống thư viện được nối mạng … vì thư viện không chỉ là nơi cung cấp kiến thức cho người học mà còn xây dựng phong cách học tập cần thiết ở đại học là tự học và tự đọc.

(c) Tăng GDP; hoặc những biện pháp khác như du học, mời thầy nước ngoài về …

Nhu cầu thông tin

Nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người để nắm được tình hình thế giới, thông cảm và chia sẻ, cũng là nhằm nâng cao trình độ và sự hiểu biết. Nhu cầu về thông tin ngày càng cao và kèm theo phương tiện đáp ứng ngày càng hiện đại hơn. Để thỏa mãn nhu cầu thông tin ngày càng cao của con người, các hình thức truyền thông đã thay đổi theo thời gian như đơn giản nhất bằng miệng, truyền thông bằng âm thanh, dấu hiệu; hình thức tối tân và phức tạp của ngành điện tử ngày nay như truyền hình, vệ tinh nhân tạo … ; thông qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, bích chương, điện thoại và hiện nay là internet với rất nhiều tiện lợi.

Thuê bao điện thoại & trạm thu phát của Vinaphone ( 1997-1999)

Nhu cầu thông tin của xã hội loài người tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi cao về số lượng, chất lượng và loại hình dịch vụ. Vì vậy, điện thoại, internet là cách thức thông tin trực tiếp, hiệu quả nên không thể thiếu được trong đời sống xã hội.

Hưởng thụ văn hóa được xem như là nhu cầu tinh thần, xuất hiện và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Vì vậy, lượng sách báo, văn hóa phẩm ngày càng tăng nhằm đáp ứng cho các nhu cầu về văn hóa và tinh thần của xã hội loài người.

Nhu cầu về du lịch

Du lịch là những hoạt động ngoài nơi cư trú thường xuyên của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. (Pháp lệnh Du lịch, 2/1999).

Du lịch được xem là quá trình hoạt động của con người rời khỏi quê hương để đến một nơi khác với mục đích chủ yếu là cảm nhận những giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc, độc đáo, khác lạ với quê hương, không nhằm mục đích sinh lợi. Các hoạt động du lịch đều liên quan chặt chẽ với môi trường (bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn).

Theo đánh giá của Hội đồng Du lịch Thế giới (World Travel and Tourism Council) hiện nay công nghệ du lịch đã đóng góp trên 10% tổng GDP của toàn thế giới và là ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động nhất trên thế giới. Lực lượng lao động trong toàn ngành lên tới 127 triệu người, nghĩa là cứ 15 người lao động thì có 1 người làm du lịch.

Nhu cầu di chuyển

Kinh tế càng phát triển, đời sống càng cao, con người càng tăng nhu cầu di chuyển với khoảng cách xa, thời gian ngắn, thường gắn với các mục đích khác như học tập, công tác, buôn bán, du lịch … Nhu cầu về di chuyển gắn liền với nhu cầu đô thị hóa, công nghiệp hóa (trao đổi mua bán).

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu di chuyển thì các phương tiện vận chuyển được cải thiện và phát triển. Giao thông vận tải đã góp phần sự phát triển của mỗi đất nước qua các mặt: là cửa mở, là đòn bẩy thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế-xã hội; là động lực thúc đẩy quá trình giao lưu kinh tế-văn hóa; góp phần phân bố lực lượng sản xuất và sự phát triển trong cả nước.

 
MỤC LỤC